MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khó khăn lớn nhất của các trường học khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là việc dạy học môn tích hợp. Ảnh: Hải Nguyễn

Gỡ khó cho dạy học môn tích hợp theo chương trình mới

Vân Trang LDO | 21/08/2023 06:00

Sau 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khó khăn lớn nhất với thầy cô hiện nay là dạy học môn tích hợp.

Giáo viên gặp nhiều khó khăn

Năm học tới, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ triển khai ở ba trong số bốn lớp cấp THCS là lớp 6, 7 và 8. Đây là cấp học có nhiều môn tích hợp nên gây lúng túng cho giáo viên, nhà trường trong việc triển khai, thực hiện.

Cô Hoàng Hải Vân - giáo viên trường THCS Võ Thị Sáu (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) - đánh giá, việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn. Giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả.

Việc yêu cầu giáo viên bồi dưỡng để dạy tích hợp là do thay đổi từ chương trình nhưng không có chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia bồi dưỡng các môn này.

"Giáo viên mong mỏi có những chính sách hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho đội ngũ" - cô Hải Vân nói.

Không riêng cô Hải Vân, rất nhiều giáo viên khác cũng cảm thấy khó trong việc giảng dạy môn học tích hợp. Mặc dù đã tham gia các buổi tập huấn, hoàn thành chứng chỉ bồi dưỡng Khoa học tự nhiên, song nhiều thầy cô cảm thấy chưa đủ tự tin để truyền tải kiến thức tới học trò.

"Trước kia, tôi thi đại học theo khối B (Toán, Hoá, Sinh) nên việc dạy 2 phân môn Hoá, Sinh không thành vấn đề. Riêng môn Vật lí, tôi cảm thấy không đủ tự tin để giải đáp những thắc mắc của học trò, những kiến thức chuyên sâu" - cô Lê Thị Hiền, giáo viên THCS tại tỉnh Thanh Hoá, bày tỏ.

Giải pháp gỡ khó dạy học môn tích hợp

Cô Nguyễn Thị Kiều Anh - Tổ trường tổ Khoa học tự nhiên, Trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội (Hà Nội) - chia sẻ, hiện tại, các môn Hoá học, Vật lí và Sinh học được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên, điều này đồng nghĩa, giáo viên không chỉ am hiểu kiến 1 môn mà phải nâng cao kiến thức rộng hơn, ở cả 3 lĩnh vực.

Hơn ai hết, cô Kiều Anh thấu hiểu những khó khăn mà bản thân và các đồng nghiệp đang phải nỗ lực từng ngày để khắc phục, tất cả vì học trò, vì công cuộc đổi mới giáo dục lần này.

Để gỡ khó trong dạy học môn tích hợp, cô Kiều Anh cho rằng, mỗi thầy cô giáo phải thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy, phải nắm rõ chương trình, mục tiêu, chuẩn đầu ra của môn học.

"Để có sự tự tin sau 2 năm dạy học, tôi phải tham gia các buổi tập huấn. Hàng tuần, chúng tôi sẽ dành 1 buổi để giáo viên có thời gian trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của nhau, thực hiện xây dựng các chuyên đề học tập để học sinh tăng hứng thú.

Dạy đơn môn đã khó, dạy tích hợp lại càng khó gấp nhiều lần. Nhưng bù lại học sinh phấn khởi và thích thú học tập hơn. Để làm được điều này, tôi cho rằng, phải có một cộng đồng giáo viên kết nối với nhau chứ không thể tách biệt từng cá nhân" - cô Kiều Anh chia sẻ.

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô - khẳng định, việc dạy học các môn tích hợp là một xu hướng khoa học của nền giáo dục hiện đại.

Song, chuyên gia này cũng nhìn nhận, việc triển khai các môn học tích hợp ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do chưa có sự chuẩn bị chu đáo về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất.

"Có thể bỡ ngỡ ban đầu, nhưng giáo viên hoàn toàn có thể nghiên cứu, chuẩn bị, tự học để giảng dạy môn tích hợp. Có người học nhanh, có người học chậm nhưng không phải là không thể" - TS Phạm Hiệp chia sẻ.

Tại buổi gặp gỡ các nhà giáo sáng 15.8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đang tham khảo thêm các ý kiến của chuyên gia và sớm đưa ra điều chỉnh việc dạy học môn tích hợp trong thời gian tới.

"Điều chỉnh này sẽ không ảnh hưởng, xáo trộn đến việc triển khai chương trình phổ thông mới" - bộ trưởng cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn