MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học phí đại học tăng cao gây áp lực cho người học

Vân Trang LDO | 15/06/2023 07:31

Năm học mới 2023 - 2024, Chính phủ cho phép các trường đại học thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81.

Nhiều trường đại học, học viện đã thông báo mức học phí cho năm học 2023 - 2024 và lộ trình tăng học phí theo từng năm. Căn cứ pháp lí để các trường thực hiện tăng học phí là Nghị định 81 của Chính phủ.

Tại Trường Đại học Y Hà Nội, học phí năm 2023 - 2024 dự kiến từ 20,9 - 55,2 triệu đồng/năm tùy ngành. Trong đó, 2 ngành Y khoa, Y học cổ truyền có mức hoc phí cao nhất 55,2 triệu đồng. Với các năm sau, nhà trường áp dụng mức tăng học phí không quá 12,5%. Mức học phí này tăng gần gấp đôi so với năm 2022.

Trường Đại học Dược Hà Nội dự kiến thu học phí 18,5 - 49,5 triệu đồng/năm với hai ngành Hoá dược và Dược học đào tạo truyền thống. Mức này cao hơn 4,2 và 10,2 triệu đồng so với mức hiện hành. Với hệ chất lượng cao ngành Dược học, trường thu 49,5 triệu đồng, cao hơn 4,5 triệu đồng.

Hàng loạt trường đại học khác như Học viện Tài Chính, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Thương Mại, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân... cũng thông báo tăng học phí cho năm học tới. Mức tăng phổ biến từ 15 - 20%.

Trước thông báo tăng học phí của các trường đại học, nhiều bậc phụ huynh căng thẳng, lo lắng, đặc biệt là những gia đình ở vùng nông thôn. Bởi ngoài học phí, mỗi tháng, còn phải chu cấp tiền sinh hoạt phí cho con cái. Chi phí có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/năm học. Trong khi đo, nhiều gia đình ở vùng nông thôn thu nhập không ổn định, bấp bênh.

Với chị Bùi Thị Ngọc (Thanh Hóa) bày tỏ, các trường đại học tăng học phí đồng nghĩa với gia tăng gánh nặng, áp lực tài chính lên hai vợ chồng.

Chị Ngọc có 3 con. Cháu lớn là sinh viên năm thứ 3. Cháu thứ hai học lớp 12, dự kiến đăng ký xét tuyển vào Học viện Tài Chính còn con út năm nay học lớp 8.

“Thu nhập của 2 vợ chồng không ổn định. Ngoài phụ hồ, tôi còn cày, cấy thuê để có thêm tiền nuôi các con ăn học. Nuôi con lớn ăn học đại học đã tốn kém, học phí lại ngày một tăng, không biết sắp tới, cháu thứ 2 vào đại học, 2 vợ chồng phải xoay xở như thế nào" - chị Ngọc bày tỏ.

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, cơ sở giáo dục thông báo tăng học phí từ năm học 2023 - 2024 là điều tất yếu.

Tuy nhiên, tăng như thế nào là vấn đề cần đặt ra. Chất lượng đào tạo quyết định chi phí đào tạo. Với trường đại học công lập, chi phí đào tạo đến từ nguồn: Ngân sách Nhà nước; hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ... và học phí. Như vậy, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo.

Để không là gánh nặng cho người học, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, học phí đại học phải phù hợp với thu nhập của người dân.

"Các trường không thể lấy cớ là tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo để “vẽ ra” chi phí rồi thu học phí. Nếu không, con em hộ nghèo, những người có thu nhập thấp khó có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học" - TS Lê Viết Khuyến bày tỏ.

Chuyên gia này cũng nhận định, bên cạnh sự chủ động tìm kiếm, gia tăng nguồn thu từ dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ của nhà trường, cần đến sự đầu tư phù hợp từ Nhà nước để giảm áp lực lên người học.

Thí sinh, phụ huynh theo dõi chi tiết học phí đại học các trường trên cả nước TẠI ĐÂY.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn