MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường đại học sử dụng chứng chỉ IELTS để tuyển sinh đầu vào. Ảnh: Phan Liên

IELTS chỉ nên là tiêu chí phụ trong xét tuyển đại học?

Tường Vân LDO | 27/08/2023 19:13

Theo ý kiến của nhiều học sinh, giáo viên, cần bàn lại việc sử dụng chứng chỉ IELTS để quy đổi điểm thi tốt nghiệp THPT, hay xét tuyển vào đại học như hiện nay.

Từ năm 2017, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL bắt đầu được các trường đưa vào làm một trong những tiêu chí xét tuyển. Sau 5 năm, phương thức này ngày càng phổ biến và được nhiều thí sinh lựa chọn.

Mùa tuyển sinh 2023, ghi nhận có hơn 100 trường sử dụng chứng chỉ IELTS để tuyển sinh đại học.

Riêng với kì thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) miễn thi và tính điểm 10 môn Ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương. Việc này gây ra những tranh cãi bởi nhiều giáo viên, học sinh cho rằng không hợp lý, công bằng.

Em Nguyễn Viết Huy, sinh viên năm 2 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng, cần xem xét lại việc sử dụng chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh đại học cũng như quy đổi điểm thi tốt nghiệp THPT.

Năm ngoái, Huy đã chứng kiến cuộc chạy đua của bạn bè để ôn thi loại chứng chỉ này, với hy vọng có cơ hội giành tấm vé trúng tuyển đại học.

"Nhiều bạn học sinh đổ xô học, luyện thi IELTS mà bỏ bê việc học cân bằng các môn. Điều này khiến nhiều bạn rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi điểm thi IELTS không cao, các em khó có thể bắt đầu ôn thi cân bằng các môn học đã bỏ bê trong thời gian dài. Chưa kể, đối với một số các bạn có hoàn cảnh khó khăn, việc tiếp cận, học và thi IELTS không phải điều dễ dàng" - Huy nói.

Nam sinh nhìn nhận, chứng chỉ IELTS có phản ánh năng lực của thí sinh, nhưng chỉ một phần. Nhiều trường hiện nay thường ưu tiên xét tuyển thẳng đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS, dẫn đến việc tăng sự cạnh tranh đối với các thí sinh xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Lê Mai Anh, 25 tuổi, cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương cũng nhìn nhận, hiện nay, chứng chỉ IELTS đang được xã hội "thần thánh hoá".

"Coi trọng ngoại ngữ là tốt, nhưng thần thánh chứng chỉ lại là tư duy sai lầm. Chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là phần bổ trợ cho việc học tập, công việc, không thể là thước đo đánh giá năng lực của mỗi người" - Mai Anh bày tỏ quan điểm.

Cô Lê Thị Thu Phương - giáo viên tại 1 trung tâm tiếng Anh trên địa bàn thành phố Hà Nội nói rằng, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn học, ôn thi IELTS từ rất sớm.

Cô Phương đánh giá, việc học, thi chứng chỉ IELTS sớm sẽ giúp học sinh có lợi thế cho việc xét tuyển đại học cũng như công việc trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế, không phải bất kì thí sinh nào cũng có khả năng đạt từ 6.5 IELTS trở lên.

"Khi em học sinh tập trung quá nhiều vào môn tiếng Anh, sẽ xảy ra việc học lệch. Cần biết nền tảng của mình, luyện thi cho bài thi tốt nghiệp THPT" - cô Phương chia sẻ.

Trao đổi với Lao Động, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiều lần bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại khi IELTS được coi là “tấm vé vàng” xét tuyển vào những trường đại học hàng đầu Việt Nam, dẫn đến tình trạng học sinh đổ xô đi học chứng chỉ này.

"IELTS chỉ nên là tiêu chí phụ để xét tuyển vào khối ngành ngoại ngữ hoặc các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, chất lượng cao và chương trình hợp tác quốc tế.

Hoặc, nhà trường có thể quy đổi điểm IELTS để xét miễn học hoặc miễn thi đối với các học phần ngoại ngữ cho sinh viên trong quá trình học tập" - TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới trong công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối sở giáo dục và đào tạo vừa diễn ra, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - cho biết, thực tế còn lộn xộn trong thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài.

Ông Chương cho biết, thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ cân nhắc, bàn lại việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm tiếng Anh kì thi tốt nghiệp THPT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn