MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh nên ưu tiên đăng ký nguyện vọng mình yêu thích nhất lên làm nguyện vọng 1. Ảnh: Hải Nguyễn

Không bắt buộc chọn phương án đỗ bằng điểm học bạ lên làm nguyện vọng 1

Bích Hà LDO | 22/07/2022 12:29
Hiện nhiều thí sinh đang hoang mang không biết có phải đặt phương án mình đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm của các trường lên làm nguyện vọng 1 hay không. Thực tế, đây là những nguyện vọng an toàn nhất, vì đã chắc chắn có cơ hội đỗ, nên thí sinh không nhất thiết đặt lên làm nguyện vọng 1 nếu đây chưa phải là nguyện vọng mình yêu thích nhất.

Ưu tiên ngành, trường mình yêu thích nhất

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm 2022, các thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần trong thời gian từ ngày 22.7 đến 17h ngày 20.8.

Một điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm nay là tất cả thí sinh phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống cổng xét tuyển của Bộ GDĐT để thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển.  Việc này nhằm hạn chế thí sinh “ảo”, tình trạng “giữ chỗ” như mọi năm.

Như vậy, dù thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm (điểm học bạ, tuyển thẳng, chứng chỉ quốc tế, điểm đánh giá năng lực…) thì vẫn phải đăng ký nguyện vọng đó lên cổng thông tin tuyển sinh để lọc ảo chung.

 Thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT từ hôm  nay.

Vì điểm mới này, những ngày qua, khi các trường công bố điểm chuẩn của các phương thức xét tuyển sớm, rất nhiều thí sinh hoang mang không biết sắp xếp nguyện vọng ra sao. Đặc biệt, các trường khi công bố điểm chuẩn đều kèm theo dòng khuyến cáo thí sinh nên đặt nguyện vọng vào những ngành đã đủ điều kiện trúng tuyển của trường mình lên làm nguyện vọng 1 (NV1) để chắc chắc cơ hội đỗ. Nếu thí sinh không đăng ký NV1 ở phương thức đã được công bố đủ điều kiện trúng tuyển đồng nghĩa với việc từ chối cơ hội trúng tuyển đó.

Việc mập mờ thông tin như vậy khiến thí sinh lo lắng và hiểu sai rằng nếu không đăng ký, sắp xếp nguyện vọng như nhà trường hướng dẫn thì sẽ không đỗ, không trúng tuyển nữa.

Thực tế, tất cả các nguyện vọng, dù xét tuyển  bằng điểm thi tốt nghiệp THPT hay điểm học bạ, đánh giá năng lực… đều được xét bình đẳng như nhau, mỗi phương thức đã có chỉ tiêu riêng theo đề án tuyển sinh mà các trường đã công bố. Vì thế, thí sinh không cần lo lắng mình sẽ mất cơ hội học nếu không sắp xếp nguyện vọng đó lên làm NV1, vì đây là nguyện vọng an toàn nhất. Khi hội đồng tuyển sinh của các trường họp, xét mức điểm chuẩn và công bố, nếu thí sinh đáp ứng được mức điểm chuẩn nhà trường đưa ra, đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, thì mặc nhiên đã đủ điều kiện trúng tuyến rồi.

Vấn đề quan trọng là theo quy chế tuyển sinh, thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn số lượng, nhưng sẽ chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng đã đăng ký.

Vì thế, nếu các ngành, trường mà mình đã đủ điều kiện trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ, hay các phương thức khác… đã là ngành thí sinh yêu thích nhất, có mong muốn được theo học, thì thí sinh đăng ký nguyện vọng đó lên cao nhất.

Còn nếu đó chưa phải là phương án mong muốn và thí sinh muốn thêm cơ hội xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, thì các em nên chờ đến ngày 24.7 khi biết điểm thi và lựa chọn ngành mà mình mong muốn theo học. Và yên tâm rằng sẽ không bị hủy kết quả trúng tuyển chỉ vì không sắp xếp các ngành, trường đã trúng tuyển bằng điểm học bạ lên làm NV1, trừ trường hợp các em đã đủ điều kiện đỗ vào ngành, trường mà các em sắp xếp ở nguyện vọng cao hơn.

Không nên chỉ chọn một nguyện vọng duy nhất

Điều 18 của Quy chế năm nay quy định rõ: Trường hợp thí sinh đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác).

Như vậy, việc sắp xếp nguyện vọng ra sao sẽ do chính học sinh quyết định, trên cơ sở căn cứ vào khả năng, sở thích của mình. Nhưng để chắc chắn cơ hội đỗ đại học, thí sinh không nên chỉ chọn duy nhất một nguyện vọng. Các chuyên gia tuyển sinh khuyến cáo, thí sinh nên đặt ít nhất từ 3 đến 5 nguyện vọng, tính cả nguyện vọng đã đỗ bằng phương thức xét tuyển sớm.

Ví dụ, thí sinh đỗ học bạ ở trường A, mà em còn 3 NV yêu thích hơn thì em có thể đặt NV học bạ này bên dưới nó là nguyện vọng 4. Nếu NV1, 2, 3 em không đỗ thì em sẽ đỗ NV4 là NV học bạ em đã đỗ. Các NV 1, 2, 3, thí sinh sẽ sắp xếp dựa theo sở thích và năng lực.

Nếu xét tuyển bằng điểm thi, thí sinh cần căn cứ vào số điểm mình có và mức điểm chuẩn 2 năm gần nhất của các ngành, trường mình định đăng ký. An toàn nhất là thí sinh nên lựa chọn nguyện vọng mà điểm thi của mình cao hơn 2 điểm so với mức điểm chuẩn của ngành, trường đó đã công bố ở năm trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn