MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không công khai học phí đại học là điều khuất tất

Trang Hà LDO | 07/05/2023 18:53

Theo các chuyên gia, không công khai học phí là điều khuất tất, giáo dục đại học phải đảm bảo minh bạch, rõ ràng.

Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về việc, nhiều trường đại học mập mờ học phí trong mùa tuyển sinh 2023. Theo đó, cách tính học phí của các trường không đồng nhất, có trường tính theo năm, theo kỳ, theo quý, có trường lại tính theo tín chỉ. Thậm chí, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đổ "trách nhiệm" lên Nghị định 81 của Chính phủ rằng học phí dự kiến với sinh viên chính quy; lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm (nếu có) là thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ Quy định.

Theo lý giải của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, sở dĩ chưa thể rõ ràng thông tin về học phí năm học 2023 - 2024 là do chưa biết chỉ đạo từ cấp trên về vấn đề này như thế nào.

PGS.TS.KTS Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội còn cho rằng: "Không công khai học phí không có gì gây khó cả. Trong đề án tuyển sinh ghi rõ là thu theo quy định của Chính phủ. Theo quy định đã có mức trần học phí, chỉ cần gõ trên máy tính là ra ngay".

Trao đổi với Lao Động về vấn đề nhiều trường đại học mập mờ thông tin học phí, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng, một số trường công lập muốn học phí cao nhưng lại bị kiểm soát trần học phí nên dễ nảy sinh sự không minh bạch trong việc công khai.

Hiện nay, quy định công khai học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhưng chưa thực sự thống nhất. Các trường có cách tính khác nhau - tính theo năm, theo kỳ, theo quý, có trường lại tính theo tín chỉ. Điều này dễ tạo nhầm lẫn cho người học bởi chưa rõ toàn bộ chương trình học có tất cả bao nhiêu tín chỉ, bao nhiêu kỳ, kéo dài bao nhiêu tháng.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, cần đưa ra một phương án tính học phí thống nhất, tính theo tín chỉ là cách tính phù hợp.

TS Lê Viết Khuyến khẳng định: "Không công khai học phí là điều khuất tất". Ảnh: Trang Hà

"Các cơ sở giáo dục phải công bố cụ thể mức học phí cho một tín chỉ, một kỳ học có bao nhiêu tín chỉ và số tín chỉ phải học trong toàn bộ chương trình đào tạo. Điều này cũng thuận tiện cho người học có thể tính toán, cân nhắc phù hợp và đăng ký học nhiều, học ít, học nhanh, học chậm tùy vào khả năng" - TS Khuyến nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho biết, một số trường đã bắt đầu xét tuyển nhưng chưa công bố học phí hoặc ghi chung chung, nước đôi, không cung cấp đủ thông tin cho phụ huynh, học sinh. Trách nhiệm trước tiên thuộc về Bộ GDĐT vì chưa có quy định chặt chẽ và xử lý dứt khoát về vấn đề này.

“Các trường đại học lo ngại rằng sau khi công khai học phí, Bộ GDĐT sẽ có những thay đổi nên đến thời điểm này vẫn mập mờ, lấp lửng học phí. Trách nhiệm trước tiên thuộc về Bộ GDĐT, quản lý và đưa ra các chính sách còn chậm trễ và không rõ ràng. Các trường nếu lo ngại về những thay đổi thì phải sớm đề nghị Bộ có quy định, dứt khoát, không thể nửa vời, lấp lửng như hiện nay” – TS Lê Viết Khuyến nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, không công khai học phí là điều khuất tất, giáo dục đại học phải đảm bảo minh bạch, rõ ràng. Hơn nữa, mập mờ học phí sẽ gây bất lợi cho thí sinh và phụ huynh bởi không được tiếp cận với thông tin tài chính để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn