MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không giỏi Toán, thí sinh nên chọn ngành học nào?

Vân Trang LDO | 19/03/2023 13:21

Dành lời khuyên cho thí sinh trong việc chọn ngành chọn nghề, nhiều chuyên gia cho rằng, các trường đại học ở Việt Nam hiện nay đã chia kiến thức toán theo các khối ngành, phù hợp với nhu cầu từng ngành. 

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2023 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày 19.3, một phụ huynh có con bậc THPT đã nêu câu hỏi băn khoăn liên quan đến môn Toán.

Vị phụ huynh này nghiên cứu kỹ chương trình toán của con ở bậc THPT và cho rằng có những phần kiến thức quá hàn lâm như tích phân, đạo hàm không phù hợp với học sinh phổ thông. Ông thắc mắc không biết những kiến thức hàn lâm đó có cần thiết để sinh viên học ở bậc đại học hay không? 

Trước những thắc mắc của vị phụ huynh này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ, chủ đề học tích phân đạo hàm để làm gì đã tranh luận khá nhiều. Chúng ta nói môn toán của Việt Nam nặng nhưng thực tế, chưa là gì khi so sánh với các trường kỹ thuật của Đức, Pháp. 

"Bản thân tôi có chuyên ngành cơ điện tử, điều khiển robot dùng toán rất nhiều nhưng dưới dạng lập trình. Nếu không trải qua các bài toán thì không thể đạt đến trình độ cao trong khoa học kỹ thuật. Vì tất cả đều lập trình trên phương trình vi phân" - PGS.TS Nguyễn Phong Điền nói.

Chuyên gia giải đáp thắc mắc của thí sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Vân Trang

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa - nói thêm: "Tùy theo mỗi ngành đào tạo sẽ có đòi hỏi khác nhau về kiến thức nền. Ví dụ cũng là toán nhưng mỗi ngành đòi hỏi khác nhau. 

Ở một số trường nước ngoài khi xây dựng chương trình sẽ xây dựng chương trình môn toán theo các ngành khác nhau, phù hợp với yêu cầu đào tạo. Trong đó có ngành kiến thức toán khá nhẹ, có ngành lại yêu cầu cao.

Các trường đại học ở Việt Nam hiện tại cũng đã chia toán khác nhau theo các khối ngành, phù hợp với nhu cầu từng ngành. Không phải ai cũng cần học toán nặng. Học kinh tế, kiến thức toán khác, sức khoẻ, kiến thức toán khác,…" - PGS.TS Nguyễn Phú Khánh Khánh phân tích. 

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội chia sẻ, nhà trường đào tạo đến 10 ngành ngôn ngữ và các ngành này đều không yêu cầu sinh viên phải học toán.

"Chỉ khối ngành nào liên quan đến Kinh tế mới học nhiều Toán. Với khối ngành Ngoại ngữ, môn Toán để xét đầu vào, đánh giá thí sinh có tư duy tốt không. Những học sinh nào sợ Toán có thể lựa chọn các ngành ngôn ngữ và các em yên tâm sẽ không phải học 1 giờ toán nào" - PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn