MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ GDĐT đang lấy ý kiến, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Ảnh: Hải Nguyễn

Kiến nghị phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Nguyễn Văn Lực, Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hoà) LDO | 20/02/2023 06:00

Cử tri tỉnh Tuyên Quang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để học sinh có cơ sở chọn môn học phù hợp với khả năng, định hướng nghề nghiệp.

Trả lời bằng văn bản về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết, Bộ đang triển khai xây dựng phương án và lấy ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý, thầy cô giáo, các nhà trường và toàn xã hội để tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Ý kiến góp ý cho rằng, với mong muốn kì thi tốt nghiệp THPT 2025 thực tế, khả thi, ngày càng đảm bảo chất lượng, tạo cơ sở tin cậy cho các trường đại học tuyển sinh, đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông 2018, xin được góp ý kiến đề xuất sau:

Về pháp lý, kì thi tốt nghiệp THPT cần được thể chế hóa trong Luật Giáo dục là kì thi bắt buộc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Có như vậy, học sinh sớm xác định được mục đích học tập một cách rõ ràng, có kế hoạch học tập hợp lý, chuẩn bị tâm lý tốt để đạt kết quả cao trong kỳ thi.

Bên cạnh đó, cần giữ ổn định kỳ thi ít nhất trong 5 năm liên tục, tránh việc thay đổi gây tâm lý lo lắng trong học sinh, phụ huynh là cần thiết.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Hải Nguyễn

Về môn thi, học sinh phải thi bốn môn bắt buộc, gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn (tổ hợp) trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ và Nghệ thuật. Như vậy sẽ đảm bảo đúng mục tiêu dạy học phát triển năng lực phẩm chất học sinh, đảm bảo dạy học theo định hướng nghề nghiệp của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo để các trường đại học có cơ sở xét tuyển cho phù hợp. 

Về hình thức thi, đối với môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ thi bằng hình thức tự luận sẽ phát huy được nhiều kỹ năng, năng lực học sinh về tư duy logic, cảm xúc, diễn giải, phân tích, tổng hợp, khái quát, suy luận… Còn đối với môn Lịch sử cùng hai môn tự chọn, thi bằng hình thức trắc nghiệm để kiểm tra được kiến thức cơ bản một cách toàn diện hơn.

Riêng môn Ngữ văn, học sinh chỉ thi viết phần làm văn, nội dung nghị luận về văn học hoặc nghị luận về xã hội, đủ để đánh giá năng lực cảm thụ văn học của học sinh mà không cần phải kiểm tra phần đọc hiểu.

Với môn ngoại ngữ, nên kiểm tra bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đáp ứng chuẩn chung của quốc tế. Học sinh được dùng chứng chỉ quốc tế để thay thế môn ngoại ngữ (chẳng hạn dùng chứng chỉ IELTS để thay thế môn thi tiếng Anh,...).

Về xét tốt nghiệp, kết quả các bài thi tốt nghiệp nên là điểm số duy nhất để xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học mà không có sự tham gia tính điểm học bạ như hiện nay.

Với công thức tính điểm, tổng điểm bốn bài thi bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, điểm trung bình tổ hợp của bài thi hai môn tự chọn. Việc không tính điểm học bạ tránh được hệ lụy “làm đẹp học bạ” gây thiếu công bằng, vì sự nặng - nhẹ trong kiểm tra đánh giá giữa các trường giữa các địa phương. Đồng thời, các trường đại học cũng bãi bỏ tuyển sinh bằng điểm học bạ sẽ góp phần tăng giá trị đích thực của kì thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn