Không tiếc tiền cho con học lớp ôn luyện
Hết giờ làm, chị Thu Hoài (Tây Hồ, Hà Nội) vội vàng trở về nhà đón con tan học, tất tưởi chuẩn bị cơm nước rồi hai mẹ con lại lên đường đến lớp luyện chữ. Con gái chị năm học tới sẽ vào lớp 1. Dù vậy, từ thời điểm trước Tết, chị đã cho con tham gia các lớp tiền tiểu học.
Ngay từ khi con lên 4, chị Hoài đã ngắm cho con xét tuyển vào các trường như Marie Curie, Đoàn Thị Điểm, Ngôi Sao... Theo dõi thông tin tuyển sinh từng năm của các trường, chị Hoài ví, tuyển sinh vào lớp 1 còn căng thẳng và áp lực hơn vào đại học khi tỉ lệ chọi luôn cao ngất ngưởng.
Qua tham khảo kinh nghiệm từ các mẹ đi trước, chị Hoài được biết, chương trình SGK mới với lớp 1 nhanh và khá nặng. Chị xác định, việc học thêm trước khi vào lớp 1 vừa để giúp con trúng tuyển vào các trường hot, vừa giúp con có tiền đề vững chắc.
“Cứ cho là tuyển sinh đầu vào chưa quan tâm đến các kỹ năng đọc, viết của con nhưng nếu con đã nắm chắc, vào năm học, con sẽ dễ dàng theo được kiến thức trên lớp, không bị đuối so với bạn bè cùng trang lứa” - chị Thu Hoài nói.
Giai đoạn này, nhiều phụ huynh có con ôn thi vào lớp 6 cũng đang cùng con chiến đấu ngày đêm. Họ ví, tuyển sinh lớp 6 vào trường top đầu là cuộc đua khốc liệt, căng thẳng với tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng.
Để chen một chân vào những trường hot như: THPT Hà Nội - Amsterdam, Trường THCS Lương Thế Vinh, Trường THCS Cầu Giấy... các em học sinh tiểu học đã phải bắt đầu “cuộc đua” từ năm lớp 4, thậm chí lớp 3. Vừa học ở trường, vừa phải học thêm nhiều buổi trong tuần với thầy cô luyện thi.
Chị Vũ Hải Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã định hướng cho con thi vào trường chất lượng cao ngay từ khi con còn học lớp 2. Chị đã tính toán rất kỹ lưỡng, tìm đến các thầy cô ôn thi có tiếng và chấp nhận dành ra 1 khoản chi phí để đầu tư cho con ôn luyện.
Đồng thời, cũng phải cố gắng thu xếp thời gian đưa đón con bởi việc di chuyển ở Hà Nội vào khung thời gian tan tầm luôn là điều không hề dễ dàng.
Năm nay, chị dự định sẽ cho con thử sức vào các trường: THCS chuyên Ngoại ngữ, THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường Nguyễn Tất Thành. Trong đó, mục tiêu cao nhất là đỗ vào Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
“Không riêng con tôi, rất nhiều phụ huynh khác cũng đầu tư cho con học từ lớp 2, lớp 3. Mỗi tháng tiền học thêm khoảng 5 triệu, chưa kể ăn uống, các khoản chi tiêu khác cho con. Nhưng nếu muốn con thi đỗ trường tốt thì đành chấp nhận. Con học sớm sẽ có gốc chắc. Nếu để đến lớp 5 mới ôn, khó có thể đỗ trường mong muốn” - chị Hải Anh nói.
Kỳ vọng của phụ huynh là áp lực cho con trẻ
Với nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp, cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trường Tiểu học Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nói rằng, đã không ít lần cô chứng kiến cảnh cha mẹ ép con tham gia quá nhiều lớp ôn thi vào lớp 6, tạo áp lực khiến con gặp phải các vấn đề về tâm lý.
“Thay vì lo lắng, tìm kiếm các lớp học thêm, ôn luyện cho con, cha mẹ hãy hướng dẫn con xây dựng thói quen tự giác học tập, học thật kỹ, thật chắc những kiến thức thầy cô đã dạy trên lớp. Bởi các con chỉ cần học theo chương trình trên lớp là có đầy đủ kiến thức, hành trang bước vào cấp học mới” - cô Hà chia sẻ.
Với những gia đình có định hướng cho con thi vào trường chất lượng cao, cô Hà khuyên phụ huynh nên dành nhiều thời gian đồng hành cùng con trong suốt quá trình học tập.
Ở giai đoạn lớp 4, lớp 5 - giai đoạn chuyển tiếp sang cấp học mới, lượng kiến thức sẽ nhiều hơn các lớp học dưới. Thêm vào đó, nhiều trẻ ở độ tuổi này bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì. Nếu cha mẹ ép con học quá nhiều, dễ gây phản ứng ngược, khiến con trở nên căng thẳng và gặp các vấn đề về tâm lý.
“Cha mẹ hãy trò chuyện cùng con nhiều hơn, mua thêm sách để con đọc, hướng dẫn con làm một số bài nâng cao hoặc tranh thủ giờ ra chơi nhờ giáo viên chỉ bảo thêm… Như vậy là con hoàn toàn có thể tự tin hoàn thành các kỳ kiểm tra, đánh giá đầu vào các trường chất lượng cao” - cô Hà dành lời khuyên cho các bậc phụ huynh.
Cô Nguyễn Thị Thanh - Giáo viên bậc Tiểu học tại Hà Nội - cũng khuyên các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 không nên quá sốt ruột, tìm đến các lớp tiền tiểu học cho con. Bởi việc học trước sẽ khiến vào năm học, con mang tâm lý chán nản, thiếu chú ý trong học tập.
“Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các con được học 2 buổi/ngày. Do đó, cha mẹ hãy yên tâm rằng, đến trường, con sẽ được thầy cô dạy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết” - cô Thanh chia sẻ.
Để giúp học sinh có tâm thế vững vàng vào lớp 1, cô Thanh khuyên cha mẹ nên cùng con ôn tập các kiến thức, kỹ năng được học ở bậc mầm non, hướng dẫn con kỹ năng sử dụng đồ dùng học tập, kỹ năng đi cầu thang, sử dụng nhà vệ sinh công cộng...
“Ở độ tuổi này, trẻ cần vui chơi, học tập các kỹ năng. Do đó, cha mẹ nên tạo hứng khởi, để con yêu thích việc đến trường thay vì ép con tham gia quá nhiều lớp học thêm” - cô Thanh nói.