MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm thế nào để định hướng được nghề nghiệp tương lai?

Trang Hà LDO | 12/10/2022 13:41

"Bố mẹ định hướng nghề nghiệp cho em học ngành Du lịch khách sạn và nói rằng, đã có đầu ra. Còn em thích ngành Công nghệ sinh học nhưng sợ ít cơ hội việc làm. Em biết công việc nào cũng cần yêu thích thì mới có thể cống hiến, nhưng cãi lời bố mẹ và sau đó không thành công với lựa chọn thì rất khó coi" - Đỗ Thị Hoa Hồng, học sinh lớp 12 tại Hà Nội, băn khoăn.

Câu chuyện của Hoa Hồng không phải là cá biệt. Hiện có rất nhiều học sinh, sinh viên chưa đủ bản lĩnh theo đuổi đam mê và sở thích của mình. Điều này dẫn đến việc chọn sai ngành nghề, ra trường khó tìm việc, thậm chí bỏ học giữa chừng vì không thể theo kịp chương trình.

Về vấn đề này, ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng, việc học sai ngành, chọn sai trường, thiếu việc làm, thiếu kỹ năng làm việc... là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ ra trường có thể thất nghiệp hay khó tìm việc làm tốt.

Theo đó, nếu học sinh, sinh viên không được hỗ trợ hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp đúng đắn, vấn đề này có thể trở thành vấn đề xã hội tác động tiêu cực tới nền kinh tế, cũng như sự ổn định và phát triển ở mỗi quốc gia.

Chính vì vậy, việc hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên đang là mối quan tâm hàng đầu của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội.

Hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Ảnh: LĐO

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho hay, học sinh, sinh viên cần nắm quy trình định hướng nghề nghiệp với 8 bước sau đây. 

Bước 1: Xác định điều muốn làm (thích làm gì, thích điều gì, các giá trị mang lại hạnh phúc).

Bước 2: Xác định những khả năng có thể làm tốt (sức khỏe, tố chất, năng khiếu và các năng lực khác).

Bước 3: Tìm hiểu thế giới nghề nghiệp trong lĩnh vực mong muốn (nghề, việc làm; môi trường làm việc; điều kiện làm việc).

Bước 4: Tìm hiểu các tiêu chuẩn của lĩnh vực nghề (yêu cầu về sức khỏe, kỹ năng…).

Bước 5: Tìm hiểu những khó khăn phải đối mặt (bản thân, gia đình, cơ hội việc làm).

Bước 6: Đánh giá sự lựa chọn tối ưu (thống nhất giữa yêu cầu và khả năng, thống nhất nguyện vọng của gia đình và mong muốn của con, thống nhất giữa cơ hội và hoàn cảnh gia đình).

Bước 7: Đăng ký một chương trình giáo dục - đào tạo (xác định bậc đào tạo, uy tín cơ sở đào tạo, các điều kiện, lợi thế của cơ sở đào tạo).

Bước 8: Duy trì tích cực (nỗ lực thực hiện mục tiêu, dành nhiều thời gian cho trả nghiệm nghề và học hỏi người đi trước).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn