MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm thế nào để trở thành bác sĩ lâm sàng giỏi?

Trang Hà LDO | 26/04/2023 20:36

Điều kiện tiên quyết để trở thành bác sĩ giỏi là phải tự học, tự trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng và nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Chiều 26.4, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức tọa đàm “Thầy kể trò nghe chuyện lâm sàng”, với mong muốn giúp sinh viên trang bị hành trang vững chắc về việc học đặc thù của khối ngành Y Dược tại bệnh viện nói riêng và các cơ sở y tế nói chung.

Tại đây, sinh viên được nghe chia sẻ từ các chuyên gia đầu ngành về câu chuyện học lâm sàng và kinh nghiệm học như thế nào để đạt hiệu quả cao.

Theo các chuyên gia, thực hành lâm sàng là một học phần đặc thù của ngành Y.  “Lâm” là đến gần, “sàng” là cái giường (nghĩa là giường bệnh). Học lâm sàng có nghĩa là học những gì xảy ra trên người bệnh tại bệnh viện, bao gồm các dấu hiệu, triệu chứng, biến chứng của một bệnh hay những phản ứng của người bệnh với tình trạng bệnh tật, diễn biến của bệnh trong quá trình điều trị. Thậm chí là những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người bệnh...

 Tọa đàm “Thầy kể trò nghe chuyện lâm sàng” tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam. Ảnh: Trang Hà

Trao đổi với sinh viên, PGS.TS.BS Phạm Quốc Bình - Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam - nhấn mạnh tầm quan trọng của học lâm sàng đối với sinh viên y dược. PGS Bình khẳng định, sinh viên bám sát lâm sàng sẽ có kỹ năng nghề nghiệp rất tốt. Vì vậy, các em hãy dành năm đầu tiên học tốt môn cơ sở, sau đó bắt đầu đi lâm sàng và phải bám sát lâm sàng, tuyệt đối không để xảy ra hội chứng sợ lâm sàng.

Đồng quan điểm, PGS.TS.BS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết, ngành y có đặc thù so với các ngành khác và đòi hỏi thời gian thực hành lớn. 

"Để đi lâm sàng đạt được kết quả cao với sinh viên ngành y nói chung, quan trọng nhất là vấn đề tự học. Bên cạnh đó, nếu không xác định được động cơ và mục tiêu bước chân vào ngành y sẽ rất dễ chán nản trong quá trình học và làm.

Thứ hai phải bám bệnh nhân vì nghề y là nghề thực hành, phải điều trị cho bệnh nhân. Mỗi lần bám bệnh nhân sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm, tích lũy được vốn kiến thức, làm dày dặn khả năng phát hiện và điều trị bệnh. Qua nhiều lần bồi đắp và tích lũy kinh nghiệm mới có thể trưởng thành.

Thứ ba là phải đọc sách. Lý thuyết các thầy có thể giảng dạy trên giảng đường nhưng về nhà các em phải tự học để soi sáng triệu chứng lâm sàng đã gặp ở bệnh viện, làm dày dặn vốn kiến thức của bản thân" - PGS Khánh đưa ra lời khuyên.

Diễn giả chia sẻ về câu chuyện học lâm sàng. Ảnh: Trang Hà

Tại tọa đàm, nhiều sinh viên đặt câu hỏi: "Làm thế nào để trở thành bác sĩ lâm sàng giỏi?". Về vấn đề này, PGS.TS.BS Nguyễn Đức Tiến - Tổng Thư ký Hội ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam - cho rằng, điều quan trọng nhất là nghị lực, yêu nghề và yêu chính người bệnh của mình.

"Điều kiện tiên quyết để trở thành bác sĩ giỏi là phải tự học, tự trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng và nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, chúng ta phải đam mê với nghề, khẳng định mình chọn đúng nghề và quyết tâm gắn bó lâu dài" - PGS Tiến nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn