MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm trái ngành không còn quá xa lạ với sinh viên

Thanh Hằng LDO | 12/04/2023 19:25

Không phải ai cũng may mắn tìm được hướng đi đúng ngay từ năm 17, 18 tuổi. Có người chấp nhận làm trái ngành, thậm chí nhiều năm mới tìm được con đường thực sự thuộc về bản thân.

Học ngành này, làm nghề khác không hiếm

Hiện nay, sinh viên ra trường làm trái ngành là thực trạng phổ biến trên thị trường lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, với thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt, sinh viên lựa chọn làm trái ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nguyễn Phương Thảo theo học chuyên ngành Xã hội học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng hiện là một content creator (sáng tạo nội dung) của một blog trên nền tảng Instagram, đồng thời cũng là content social (sáng tạo nội dung tiếp thị dựa trên nền tảng Internet) của 2 brand ngành F&B. Thảo cho biết, khoảng thời gian đầu làm việc không đúng chuyên ngành có rất nhiều khó khăn, cần phải học hỏi và tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng mới để phục vụ công việc.

“Ra trường thất nghiệp là điều không sinh viên nào mong muốn. Nếu không trau dồi kinh nghiệm, không phát triển ngay trong những năm đại học thì rất khó để đáp ứng yêu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Việc làm trái ngành không còn quá xa lạ với sinh viên. Vì vậy, em chỉ mong bản thân phát triển theo hướng tích cực nhất” - Thảo chia sẻ.

Trên thực tế, không phải ai cũng may mắn tìm được hướng đi đúng ngay từ năm 17,18 tuổi. Thậm chí có người đi làm nhiều năm mới tìm được con đường thực sự thuộc về bản thân. Vậy nên, theo Thảo, mạnh dạn làm trái ngành cũng là cơ hội được sống đúng với công việc mình mong muốn sau thời gian trải nghiệm.

 Nhiều sinh viên mất định hướng sau khi tốt nghiệp. Ảnh minh họa: ĐAN

Tìm kiếm cơ hội việc làm từ sớm

Hoàn thành chương trình học tập đúng hạn, nỗ lực tìm kiếm cơ hội việc làm trước tốt nghiệp là điều mà hầu hết sinh viên năm cuối đều mong muốn thực hiện.

Võ Thị Huyền Trang - sinh viên năm cuối ngành Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc đi làm ngay từ khi đang còn ngồi trên giảng đường có rất nhiều lợi thế.

“Em đã từng cộng tác với các báo và tạp chí, đây là cách tuyệt vời để sinh viên được trải nghiệm môi trường làm việc cũng như có thêm kinh nghiệm sống. Việc đi làm cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như khả năng tài chính, quỹ thời gian, sở thích và mục tiêu cá nhân của từng người. 

Tuy nhiên, công việc lý tưởng nhất vẫn là đúng chuyên ngành mình đang học. Những kiến thức học được ở trường và những bài học thực tế xảy ra khi đi làm sẽ bổ trợ và bù đắp cho nhau. Khi lên lớp cũng dễ tiếp thu bài hơn vì đã được thực hành từ trước, có thắc mắc gì ở nơi làm việc có thể đem về hỏi giảng viên và trao đổi với bạn học. Trải nghiệm học đi đôi với hành sẽ giúp sinh viên tiến bộ rất nhanh” - Trang bày tỏ.

Theo sinh viên ngành Báo chí, đến năm cuối đại học, sinh viên cần học tập nghiêm túc và chăm chỉ những môn học chuyên ngành. Điều này vừa cải thiện điểm số vừa giúp có thêm kiến thức nền tảng về chuyên ngành của mình.

Đặc biệt, có rất nhiều doanh nghiệp tin tưởng các giảng viên đại học và thường xuyên nhờ cậy họ giới thiệu sinh viên có tiềm năng. Đó chính là cách giúp nhiều sinh viên được nhận làm ở những công ty lớn khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày hội kết nối việc làm thu hút hàng nghìn sinh viên quan tâm, hay chương trình thực tập sinh tiềm năng của trường cũng được đặt nhiều kỳ vọng.

Hiện, nhiều doanh nghiệp cũng đang trong thời gian cao điểm tìm kiếm nguồn nhân lực ở vị trí tập sự. Đây là cơ hội để sinh viên sớm tìm việc công việc ngay trong quá trình học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn