MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyển sinh đại học 2022: Vẫn nhiều “thí sinh ảo”. Ảnh: LĐO

Lọc ảo trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 đã thực sự hiệu quả?

Trang Thiều LDO | 28/09/2022 18:54

Năm nay, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức lọc ảo tất cả phương thức xét tuyển của các trường đại học trong lần xét tuyển đợt 1. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, hiệu quả lọc ảo chưa cao vì vẫn còn nhiều "thí sinh ảo".

Đã có hơn 100 trường đại học công bố xét tuyển bổ sung

Theo quy trình tổ chức, xử lý nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022, từ ngày 1.10, cơ sở đào tạo có thể thông báo tuyển sinh đợt bổ sung. Từ tháng 10 đến tháng 12.2022, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

Tuy nhiên, ngay từ ngày công bố điểm chuẩn đợt 1 (15.9), hàng loạt trường đại học đã công bố xét tuyển bổ sung. Tính đến nay, đã có hơn 100 trường phát thông báo này đến thí sinh.

Hiện tình trạng thiếu thí sinh nhập học diễn ra khắp cả nước, đặc biệt các trường đào tạo các ngành "hot" cũng thiếu chỉ tiêu trầm trọng. Nhiều trường đào tạo nhóm ngành Sư phạm - top các ngành có mức điểm chuẩn cao nhất năm nay như Đại học Huế, Trường Đại học Quy Nhơn... tuyển bổ sung từ vài chục đến vài trăm thí sinh.

Năm 2022, bức tranh tuyển sinh bất ngờ có điểm lạ khi nhiều trường đại học đào tạo nhóm ngành Sức khỏe lần đầu tuyển bổ sung với số lượng lớn, từ vài chục đến hàng trăm chỉ tiêu.

Tại Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, ngành Điều dưỡng và Y học dự phòng dù điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn nhưng cũng chưa đủ, thông báo xét tuyển bổ sung. Tương tự, một số trường khác cũng tuyển bổ sung chỉ tiêu khối Sức khoẻ như: Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế, Khoa Y - Đại học Quốc gia TPHCM; Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định…

Tại sao vẫn còn nhiều "thí sinh ảo"?

Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ GDĐT tổ chức lọc ảo tất cả phương thức xét tuyển của các trường đại học trong lần xét tuyển đợt 1. Trong số hơn 620.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, có trên 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.

Điểm mới của xét tuyển năm nay là Bộ GDĐT lọc ảo đối với tất cả các phương thức xét tuyển (trừ phương thức tuyển thẳng theo quy chế) với mục đích giảm ảo cho các trường và tạo sự bình đẳng, công bằng cho thí sinh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc lọc ảo tất cả phương thức vẫn không đạt được kết quả như kỳ vọng, vẫn còn nhiều "thí sinh ảo".

Trao đổi với Lao Động, ThS Dương Văn Bá - Trường Đại học Hoà Bình - cho rằng, hiện nay có tỉ lệ không nhỏ thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không có nhu cầu xác nhận nhập học. Nguyên nhân do thí sinh trúng tuyển không phải ngành yêu thích nhất, do học phí cao; có em thay đổi mục tiêu tương lai, muốn đi du học, học nghề, đi làm ngay; có thí sinh muốn nhập học vào trường khác.

Nói cách khác, năm nay tỉ lệ ảo vẫn rất cao. Trong khi đó, tại các cuộc họp trước khi lọc ảo, Bộ GDĐT đều khẳng định tỉ lệ ảo năm nay sẽ thấp.

Theo ông Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, các năm trước số thí sinh trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm (học bạ, đánh giá năng lực...) chỉ cần nộp giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT (bản chính) cho trường để xác nhận nhập học là xong. Từ đó, các trường cũng nắm được số chỉ tiêu còn lại để xác định điểm sàn và chỉ tiêu xét tuyển ở phương thức xét điểm thi THPT. 

Nhưng năm nay các trường rất khó trong việc xác định điểm sàn và điểm chuẩn vì không lường được lượng "thí sinh ảo" ở nhiều phương thức, dẫn đến đưa ra mức điểm cao để rồi lại không tuyển đủ chỉ tiêu.

Lãnh đạo một trường đại học ở TPHCM cũng bày tỏ băn khoăn khi tỉ lệ nhập học thực tế thấp hơn đăng ký và lọc ảo.

“Chính sách của Bộ GDĐT không bao quát hết những khó khăn thực tế, rủi ro của các trường, vì thế, dù Bộ có chạy ra đủ thí sinh theo chỉ tiêu thì cũng không đảm bảo 100% thí sinh trong danh sách Bộ đưa ra sẽ nhập học. Điều này gây khó khăn cho các trường” - lãnh đạo này cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn