MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cả nước còn thiếu hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên cho năm học mới. Ảnh: Hải Nguyễn

Lời giải cho bài toán thiếu giáo viên trước năm học mới

Nguyễn Văn Lực, Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hoà LDO | 31/08/2023 07:23

Năm học mới sắp bắt đầu nhưng nhiều trường học, địa phương trên cả nước vẫn thiếu giáo viên trầm trọng.

Thiếu giáo viên trầm trọng nhưng vẫn khó tuyển

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cả nước hiện còn hơn 74.000 biên chế giáo viên được giao từ những năm trước nhưng chưa tuyển được.

Nhiều địa phương đã đưa ra các chính sách hỗ trợ giáo viên tuyển mới, song vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Việc thiếu giáo viên nhưng không tuyển dụng được là do chế độ chính sách chưa thu hút được giáo viên. Mức lương mới vào ngành của giáo viên hiện nay khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng. Với giáo viên hợp đồng, mức lương còn thấp hơn.

Mức thu nhập như vậy không đủ để đảm bảo cuộc sống trong khi yêu cầu nhiệm vụ, áp lực công việc ngày càng gia tăng, vậy nên rất ít sinh viên chọn đi theo nghề gõ đầu trẻ.

Một nguyên nhân khác cần kể đến là do tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ xảy ra ở nhiều địa phương. Cụ thể, trong một trường học thừa giáo viên môn này, thiếu giáo viên môn khác nhưng tổng biên chế giáo viên của trường là đủ, nên dù thiếu vẫn không được giao chỉ tiêu.

Nhiều trường đành chỉ chắp vá hợp đồng tạm thời, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Thứ ba, nhiều địa phương không tuyển dụng giáo viên vì để tính giảm trừ dần vào việc giảm 10% biên chế theo qui định chung. Đơn cử như tỉnh Khánh Hòa - ít nhất trong vòng ba năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chưa có tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục vì phải chờ chỉ tiêu giao từ Sở Nội vụ. Thậm chí, nhiều trường THPT cũng không có nhu cầu tuyển giáo viên hợp đồng.

Cần giải pháp căn cơ

Công tác trong ngành giáo dục hơn 35 năm, tôi đề xuất một số kiến nghị nhằm xóa điểm nghẽn trong công tác tuyển dụng giáo viên, cụ thể như sau:

Thứ nhất, giải quyết tốt chế độ chính sách cho giáo viên nhất là giáo viên mới vào ngành, giáo viên hợp đồng. Hiện nay, Bộ GDĐT đang đề nghị tăng phụ cấp 10% cho giáo viên mầm non, 5% cho giáo viên tiểu học. Khi đề xuất này được thực hiện sẽ là động lực lớn để thầy cô yên tâm cống hiến cho ngành. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét tăng phụ cấp cho giáo viên bậc THCS, THPT.

Thứ hai, các địa phương cần thực hiện chính sách tăng cường, luân chuyển, điều động hoán đổi giáo viên. Cùng với đó là chế độ đãi ngộ xứng đáng với thầy cô được điều động, luân chuyển đến những vùng, miền khó khăn để yên tâm công tác. Đồng thời các địa phương cần sắp xếp một cách khoa học, hợp lý mạng lưới trường lớp, có tính đến yếu tố gia tăng dân số cơ học ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM để cân đối lực lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng giảng dạy.

Thứ ba, đối với ngành giáo dục, không áp dụng giảm 10% biên chế đối với viên chức ngành giáo dục trong lộ trình tinh giảm biên chế chung vì do đặc thù của ngành giáo dục. Điều này sẽ giúp các địa phương mạnh dạn đẩy nhanh việc tuyển chỉ tiêu viên chức giáo dục được giao.

Cuối cùng, nên giao quyền tự chủ, quyết định cho Bộ GDĐT trong việc tuyển dụng viên chức giáo dục, vì chỉ có ngành giáo dục mới nắm rõ thực trạng thừa thiếu giáo viên để chủ động giải quyết nhanh chóng kịp thời, tránh trình trạng chờ đợi Bộ Nội vụ rồi Sở, Phòng Nội vụ giao chỉ tiêu, kéo dài quá trình tuyển dụng dẫn đến ngày càng gia tăng vấn đề thừa thiếu, ứ đọng số biên chế được giao thêm trầm trọng như hiện nay.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thành công hay không, không phải chỉ là chương trình, sách giáo khoa, thiết bị… mà yếu tố quyết định đó là lực lượng thầy cô giáo trên cả nước. Khi lực lượng thầy cô thiếu thì chương trình khó hoàn thành, chất lượng giảng dạy khó đảm bảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn