MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8.7.2022

Lưu ý quan trọng tránh mất điểm môn Sử thi tốt nghiệp THPT 2022

Nguyễn Văn Lực LDO | 05/07/2022 19:06

Thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa) đưa ra gợi ý cách ôn luyện, làm bài môn Lịch sử giúp các em học sinh có thể hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT của mình mà không phải nuối tiếc vì nhầm lẫn dẫn đến sai sót khi làm bài.

Qua đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử năm 2021, có thể nhận thấy rằng, 75% các câu hỏi nhận biết, thông hiểu đều là những kiến thức cơ bản, hỏi về đặc trưng của các sự kiện lịch sử hoặc nét tiêu biểu của từng giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến 1975.

25% kiến thức vận dụng và vận dụng cao là dạng câu hỏi so sánh các giai đoạn lịch sử, tổng kết tìm ra điểm chung, hoặc rút ra bài học kinh nghiệm, nên những câu hỏi này yêu cầu học sinh cần vận dụng kiến thức lịch sử giai đoạn từ 1919 đến 2000, đòi hỏi khả năng đánh giá, nhận xét, so sánh thì mới có thể làm được.

Vậy để làm tốt bài thi lịch sử, các em cần lưu ý một số vấn đề sau trong quá trình ôn luyện cũng như khi làm bài thi để đạt kết quả như mong đợi.

Phân kì lịch sử

Lịch sử diễn ra theo trình tự thời gian, nên cần thiết các em phải học, ôn luyện bằng cách chia lịch sử ra theo từng giai đoạn (phân kì lịch sử) và trong từng giai đoạn cần thiết phải nắm được sự kiện nào là cơ bản có ý nghĩa quan trọng nổi bật của giai đoạn lịch sử ấy.

Ví dụ, có thể chia lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 2020 ra làm bảy giai đoạn: Việt Nam trong những năm 1919-1930; Việt Nam trong những năm 1930-1939; cuộc vận động tiến tới cách mạng tháng Tám năm 1945; Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám đến toàn quốc kháng chiến…, có như vậy các em không bị lẫn lộn giữa các sự kiện lịch sử diễn ra vì có quá nhiều sự kiện.

Xác định sự kiện tiêu biểu

Trong các giai đoạn phân kì lịch sử nói trên, các em cần nắm bản chất sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất, không cần phải học ghi nhớ tất cả vì không thể ghi nhớ (thuộc lòng) tất cả các sự kiện, biến cố… lịch sử.

Ví dụ, cuộc vận động tiến tới cách mạng tháng Tám năm 1945, các em cần phải nắm được: Lệnh tổng khởi nghĩa được ban bố trong hoàn cảnh nào; các mốc thời gian giành chính quyền ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cả nước; ý nghĩa lịch sử và nguyên nhân thành công của cách mạng tháng Tám.

Đọc kỹ yêu cầu của câu hỏi

Khi quyết định chọn câu trả lời đúng (tô đậm) các em phải đọc kỹ câu hỏi, xác định câu hỏi về nội dung gì, diễn ra thời gian nào, từ khóa của câu hỏi. Vì có xác định được nội dung yêu cầu của câu hỏi trong giai đoạn lịch sử nào thì các em không bị nhầm giữa các sự kiện.

Ví dụ câu hỏi: Trong phong trào dân chủ 1936-1939, nhân dân Việt Nam đã? Các đáp án lựa chọn bao gồm: A. phát triển dân quân du kích; B. thành lập bộ đội chủ lực; C. đấu tranh đòi các quyền dân chủ; D. xây dựng bộ đội địa phương.

Các em cần phân tích, câu hỏi trên hỏi giai đoạn lịch sử 1936-1939, với nội dung là cuộc vận động dân chủ và từ khóa là “dân chủ”, do đó câu trả lời chính xác là: C. đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ.

Tăng cường giải đề

"Học đi đôi với hành". Do đó, các em cần tự luyện, giải các đề thi tốt nghiệp môn lịch sử, đề thi thử những năm trước… giúp các em có kỹ năng làm bài và quan trọng qua đó các em cũng nắm được kiến thức cơ bản, trọng tâm, cấu trúc đề thi, các dạng câu hỏi sẽ giúp các em có một tâm lý thoải mái khi bước vào phòng thi. Đó cũng chính là cách các em tự kiểm tra đánh giá năng lực của bản thân là cần thiết.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn