MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lý do khiến học sinh chọn sai ngành nghề

Thanh Hằng LDO | 25/04/2023 19:29

Hiện nay, nhiều thí sinh chạy theo trào lưu số đông với những ngành nghề “hot” hoặc chọn nghề theo mong muốn của gia đình.

Nhiều học sinh chọn sai ngành nghề

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm các chuyên gia từ Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, có đến 24% sinh viên ra trường làm trái ngành. Nêu quan điểm về vấn đề này, cô Lâm Thị Thu Hương - giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) - cho rằng, học sinh chưa đánh giá chính xác năng lực của bản thân dẫn đến chọn ngành nghề quá sức, không phù hợp với sở trường của mình.

Thậm chí, nhiều thí sinh không xác định được thế mạnh và không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Nhiều em chạy theo trào lưu số đông với những ngành nghề “hot” hoặc chọn nghề theo mong muốn của gia đình.

“Một trong những nguyên nhân khiến học sinh chọn sai ngành là ít tham gia các hội thảo diễn đàn hướng nghiệp, các hoạt động trải nghiệm thực tế... Các em không được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản về ngành nghề và mông lung trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Thí sinh chọn sai ngành còn do thiếu sự định hướng của gia đình và nhà trường” - Cô Hương nói.

Tại sao học sinh chọn sai ngành nghề? Ảnh: Sơn Tùng 

Lời khuyên dành cho sĩ tử

Dành lời khuyên cho thí sinh chuẩn bị bước vào chặng đua tuyển sinh đại học năm 2023, cô Hương khuyên các sĩ tử nên tìm hiểu kỹ, xác định rõ đam mê, sở trường và đưa ra quyết định phù hợp với năng lực của bản thân. 

Vị giáo viên này cũng cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và gia đình trong công tác hướng nghiệp để học sinh lựa chọn nghề phù hợp. Nhà trường, giáo viên tư vấn chọn nghề cho học sinh dựa trên học lực và quá trình rèn luyện. Gia đình nên lắng nghe nguyện vọng, ước mơ và thường xuyên trao đổi với giáo viên để hiểu thêm năng lực, sở trường của con.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu - cho rằng, học sinh cần xác định được thế mạnh của bản thân và đưa ra lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp, tránh trường hợp chọn sai gây khó khăn trong quá trình học và ôn tập.

"Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh không phải học toàn bộ 17 môn và hoạt động giáo dục như chương trình hiện hành mà chỉ cần học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc kết hợp với 5 môn khác từ 3 nhóm: Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Nghệ thuật.

Các em cần xây dựng lộ trình học tập hợp lý ngay từ năm lớp 10. Trong quá trình học tập, các em nên thường xuyên trau dồi và rèn luyện kỹ năng, tham gia các diễn đàn hướng nghiệp để thuận lợi cho việc định hướng nghề phù hợp ngay khi ngồi trên ghế nhà trường" - cô Hằng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn