MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Ảnh: Minh Hà

Lý do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực tự luận

Vân Hà LDO | 06/05/2023 09:36

Trừ môn Ngữ văn, đề thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ở các môn thi gồm 70% câu hỏi trắc nghiệm, 30% tự luận, thời gian làm bài 60-90 phút.

Bài thi tự luận kết hợp trắc nghiệm

Trao đổi với Lao Động, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm cho biết, đây là năm thứ 2 nhà trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh.

Đề thi được xây dựng gồm 2 phần là trắc nghiệm và tự luận. Đối với những môn chung, phần trắc nghiệm chiếm 70%, trừ môn Ngữ văn (70% tự luận và 30% trắc nghiệm).

Kiến thức đề thi nằm trong chương trình. Tuy nhiên, mức độ nhận biết về cơ bản sẽ được nâng cao. Đây là điểm khác biệt so với đề thi tốt nghiệp THPT. 

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ lý do nhà trường xây dựng đề thi đánh giá năng lực bao gồm cả tự luận và trắc nghiệm. Ảnh: Linh Chi

"Hình thức thi trắc nghiệm hay tự luận đều có những ưu nhược điểm và nhà trường nghiên cứu để xây dựng đề thi phù hợp. So với đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi đánh giá năng lực sẽ có nhiều câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao hơn. Điều này nhằm tìm ra những em có năng lực. Tuy nhiên, việc thay đổi, điều chỉnh cấu trúc đề thi sẽ được thực hiện có lộ trình, tránh gây sốc cho học sinh vì hiện nay, đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu là thi trắc nghiệm.

Mặc khác, đề thi có thêm phần tự luận là bởi đây là 1 trong những yếu tố ban đầu để chúng tôi phát hiện ra những thí sinh đó có tiềm năng trình bày cho người khác hiểu - Một trong những phẩm chất rất cần thiết đối với nhà giáo" - GS Nguyễn Văn Minh phân tích.

Đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc

GS Nguyễn Văn Minh khẳng định, việc tuyển chọn, đào tạo đội ngũ giáo viên cho tương lai là trọng trách của các trường sư phạm. Do đó, sau nhiều năm nghiên cứu, nhà trường đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Kết quả của kỳ thi sẽ được hệ thống các trường đào tạo sư phạm trên toàn quốc sử dụng để xét tuyển. 

"Quy trình tổ chức kỳ thi riêng, từ khâu chuẩn bị ngân hàng đề thi, chuẩn hoá đề thi, bảo mật đề thi, hội đồng coi thi, chấm thi,... đề được thực hiện theo đúng quy định của Bộ GDĐT, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và chất lượng.

Chúng tôi kỳ vọng, đây sẽ là kỳ thi có chất lượng tốt để tuyển chọn sinh viên có tiềm năng, từ đó đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai" - GS Nguyễn Văn Minh chia sẻ và cho biết, những thí sinh không có cơ hội tham gia kỳ thi đánh giá năng lực không nên quá lo lắng bởi các em hoàn toàn có thể dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. 

Cụ thể, chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực chiếm tối đa khoảng 30%. 70% chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng.

Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức diễn ra trong ngày 6.5. Trong đó có 4 điểm thi được tổ chức trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 1 điểm thi (gồm 2 phòng thi) được tổ chức tại Trường Đại học Quy Nhơn.

Thí sinh đặc biệt lưu ý, nhà chỉ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học trong thời hạn 1 năm.

Có 8 trường đại học trên cả nước sử dụng để xét tuyển năm 2023 bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Quy Nhơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn