MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mức kinh phí cho nghiên cứu khoa học thấp, chưa thu hút được giảng viên tham gia

Tường Vân LDO | 15/08/2023 19:30

Nhiều trường đại học cho rằng, hiện mức kinh phí cho nghiên cứu khoa học còn thấp, chưa thể thu hút giảng viên tham gia nghiên cứu.

Trăn trở về mức thu nhập đối với giảng viên nghiên cứu khoa học

Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐĐT) Nguyễn Kim Sơn và các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên vào chiều 15.8, nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục đã được đề cập.

TS Đinh Minh Hằng - giảng viên Khoa Ngữ văn, Trưởng phòng Hành chính đối ngoại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng, hiện nay, với vấn đề nghiên cứu khoa học, cán bộ, giảng viên của trường có một số những băn khoăn, trăn trở.

Cụ thể, đó là các vấn đề liên quan đến liêm chính học thuật; câu chuyện chính sách cũng như các quy định, quy chế đối với nghiên cứu khoa học; việc đầu tư, kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học.

TS. Đinh Minh Hằng - giảng viên Khoa Ngữ văn, Trưởng phòng Hành chính đối ngoại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Bộ GDĐT

“Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với 636 giảng viên, có 424 tiến sĩ, trong đó, 128 giáo sư và phó giáo sư. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học cho trường là từ 6 - 8 tỉ đồng/năm - con số thuộc top 5 các trường đại học được Bộ GDĐT đầu tư về khoa học công nghệ. Với nguồn kinh phí như vậy, chia bình quân, mỗi giảng viên chỉ có từ 10-15 triệu/người/năm để nghiên cứu khoa học.

Mức kinh phí như vậy chưa thực sự thu hút được giảng viên trong quá trình nghiên cứu. Ngoài ra, việc đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường về cơ bản vẫn còn nhỏ lẻ" - TS Phạm Minh Hằng chia sẻ.

Từ thực tế nêu trên, TS Hằng mong Bộ trưởng GDĐT thông tin sẽ có những chính sách gì trong giai đoạn tới để khuyến khích nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các trường đại học.

Còn nhiều điểm nghẽn cần giải quyết

Trước những trăn trở của giảng viên liên quan đến việc nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2022, bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 109 quy định về hoạt hoạt động nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; trong đó có quy định cơ chế khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, chế độ khuyến khích phát triển các nhóm nghiên cứu, các lĩnh vực nghiên cứu.

Theo bộ trưởng, chi phí từ nhà nước bao giờ cũng là phần quan trọng, nhưng có hạn.

"Với Bộ GDĐT, kinh phí nghiên cứu của bộ cũng rất có hạn và bộ ưu tiên đặt hàng những nghiên cứu cơ bản, hoặc liên quan đến giáo dục, đến việc quản lý nhà nước của Bộ GDĐT. Các trường phải hướng tới đối tượng khác để đặt hàng, đó là doanh nghiệp, họ có tiền, có nhu cầu sử dụng kết quả nghiên cứu" - bộ trưởng nhấn mạnh.

Riêng với khối trường sư phạm, khoa học cơ bản, cơ quan nhà nước sẽ phải tăng cường dưới dạng kinh phí đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu; nhưng vẫn cần quan tâm chú trọng đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương…

Người đứng đầu ngành giáo dục nhìn nhận, có một điểm nghẽn, nút thắt rất quan trọng khiến cho hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa phát huy được có lẽ là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học.

“Con đường từ ý tưởng đi ra thị trường, thương mại hóa muốn được chuyển giao, có lẽ hệ thống chính sách cần phải tháo gỡ nhiều nữa. Theo tôi, đây là điểm khá mấu chốt trong chính sách cả Bộ GDĐT và Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải tham gia nhiều hơn. Làm được việc đó, chúng ta mới giải phóng được năng lực sáng tạo, mong muốn nghiên cứu của giảng viên. Những chính sách khen thưởng, hỗ trợ chỉ là câu chuyện khuyến khích” - ông Sơn nói.

Về vấn đề liêm chính học thuật, bộ trưởng cho biết, một số chính sách liên quan đến nghiên cứu khoa học đề cập đến vấn đề này.

Trong hoạt động của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, vấn đề liêm chính học thuật cũng ngày càng được đề cao và được nêu ra một cách rõ ràng, các yêu cầu ngày càng cụ thể hơn; đặc biệt là yêu cầu giảng viên trung thực trong công bố kết quả nghiên cứu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn