MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngành học nào đón đầu xu thế 4.0?

Vân Trang LDO | 07/06/2023 06:14

Mùa tuyển sinh năm 2023, một trong số những vấn đề khiến nhiều thí sinh quan tâm là chọn ngành học, chọn nghề sao cho phù hợp với bản thân và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Trong thời cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề dự đoán sẽ biến mất trong tương lai. Do đó, việc nắm bắt các ngành nghề giàu tiềm năng phát triển, có nhu cầu về nguồn nhân lực vô cùng quan trọng đối với mỗi thí sinh trước ngưỡng cửa tương lai.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), những lĩnh vực đang có sức hút lớn, thu hút số lượng đông đảo thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học bao gồm Kinh doanh và quản lý, Máy tính và Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật.

PGS.TS Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, hiện nay, những ngành nghề liên quan đến “công nghệ 4.0” nổi lên, như Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Điện tử… Nhưng không phải nổi lên giống như một “trào lưu mới, mốt mới”, mà là từ nhu cầu thực tế đang cần.

Tuy nhiên, thí sinh cần đặc biệt lưu ý, khi lựa chọn một ngành để theo học, không nhất thiết căn cứ vào việc ngành đó “hot” hay “không hot”, mà phải xem bản thân có phù hợp hay không.

"Có những ngành tâm lý mọi người có vẻ không thích, ít thí sinh lựa chọn theo học. Thế nhưng, nhu cầu từ xã hội không phải là không cần. Ngay ở Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trước đây, có những ngành mà các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp chờ đợi để tuyển dụng sinh viên, nhưng cũng không đủ số lượng cho họ tuyển dụng" - PGS.TS Phạm Văn Bổng thông tin.

PGS.TS Phạm Văn Bổng khuyên thí sinh đừng vội chọn trường. Trước hết, các em hãy xem mình đam mê, yêu thích với ngành nghề nào. Việc này cần cân nhắc rất kỹ, cả quá trình thay vì đến ngày đăng ký mới suy nghĩ, băn khoăn.

Bước thứ hai, các em hãy nghĩ đến năng lực bản thân của mình có đủ khả năng để theo đuổi đam mê, đáp ứng được những yêu cầu của ngành này hay không. Nếu chỉ yêu thích nhưng năng lực mình có hạn thì thí sinh cũng không nên theo đuổi ngành đó.

Thứ ba, ngoài đam mê, năng lực, thí sinh còn phải xem xét tới điều kiện gia đình và điều kiện vị trí địa lý, xem có phù hợp không. Bản thân các em muốn học, nhưng gia đình không đủ điều kiện để đáp ứng thì cũng không thể theo đuổi đến cùng.

Thứ tư, các em cũng nên nghe tư vấn từ người thân và những người có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Bởi nhiều khi em thích ngành này chỉ là “cảm tính”, vì chạy theo số đông, nên cần thêm sự phân tích từ mọi người xung quanh.

"Sau khi đã xác định được ngành nghề phù hợp theo 4 bước trên, lúc này các em mới tiến đến việc chọn trường trong các trường có đào tạo ngành đó. Nhiều thí sinh bây giờ đua nhau chọn trường trước rồi mới chọn ngành sau, tôi cho rằng điều này có thể dẫn đến sai lầm" - PGS.TS Phạm Văn Bổng khuyên thí sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn