MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngành Khoa học cơ bản vẫn khó tuyển sinh viên

Vân Trang LDO | 30/08/2023 21:07

Mùa tuyển sinh năm 2023, những ngành khoa học cơ bản, đào tạo truyền thống vẫn khó thu hút thí sinh. Điểm chuẩn nhóm ngành này chỉ từ 15 điểm.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành có điểm chuẩn đầu vào cao nhất với 24,5 điểm. Xếp sau đó là ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô và Cơ điện tử với 24 điểm. Ngành Kỹ thuật điện, Điện tử và Tự động hoá có điểm chuẩn 23.

Trong khi đó, ngành Khoa học môi trường có điểm chuẩn thấp nhất trường, chỉ 16,5 điểm.

Các ngành đào tạo truyền thống của nhà trường như Thú y; Chăn nuôi thú y - thuỷ sản; Nông nghiệp sinh thái và Nông nghiệp đô thị có điểm chuẩn rất thấp, chỉ từ 17 - 19 điểm. Mức điểm này thấp hơn ngành có điểm cao nhất tới trên 5 điểm.

Đáng chú ý, trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Điểm chuẩn Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dao động từ 15 - 24,75 điểm. Chênh lệch điểm chuẩn giữa ngành cao điểm nhất và thấp điểm nhất lên đến gần 10 điểm.

Điểm chuẩn Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Đáng chú ý, trong số 23 ngành đào tạo, có tới 10 ngành có mức điểm 15, tức là trung bình 5 điểm/môn. Đáng chú ý, đây đều là nhóm ngành đào tạo truyền thống của trường, cụ thể là các ngành: Khí tượng và Khí hậu học; Thuỷ văn học; Kỹ thuật địa chất; Quản lí biển; Quản lí tài nguyên nước;...

Trong khi đó, các ngành đạo tạo không phải là thế mạnh của trường như Marketing; Luật; Quản trị Kinh doanh;... lại thuộc top ngành có điểm chuẩn đầu vào cao.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM chia sẻ, trong những năm gần đây, những ngành học về nông nghiệp, lâm nghiệp đang trong trạng thái khó tuyển sinh.

"Ví dụ ngành Lâm nghiệp, thậm chí có công ty cấp học bổng cho sinh viên nhưng ngành này vẫn khó tuyển, chỉ đạt được khoảng 50 - 60% chỉ tiêu" - ông Hùng nói.

Lí giải về việc tuyển sinh đầu vào các ngành này gặp khó, ông Hùng cho rằng, điều này là do tâm lí xu hướng chọn nghề của thí sinh hiện nay khác với xu hướng phát triển xã hội.

Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, mùa tuyển sinh năm 2022, 64/330 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tuyển sinh kém, mức độ tuyển đạt dưới 50%; 94/440 ngành tuyển sinh kém, không đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu.

Các lĩnh vực như: Nông Lâm Nghiệp và Thủy sản; Dịch vụ vận tải; Khoa học sự sống; Thú y; Khoa học tự nhiên; Toán và Thống kê; Dịch vụ xã hội có tỉ lệ tuyển sinh thấp nhất. Điểm xét tuyển bình quân của các sinh viên trúng tuyển của hầu hết các ngành này nằm ở mức trung bình và dưới trung bình tất cả lĩnh vực đào tạo (trừ nhóm ngành Toán học có đầu vào khá tốt trong một vài năm gần đây).

Thực trạng này đang là nguy cơ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao cho đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, hiện Bộ GDĐT đang chủ trì, phối hợp hoàn thiện xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, sẽ có những đề xuất giải pháp cụ thể để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn