MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà trường lên tiếng trước đề nghị bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả

Vân Trang LDO | 07/03/2023 14:46

Theo lý giải của các nhà trường, việc đưa ra nhiều phương thức xét tuyển ngoài mục đích tuyển được nhiều thí sinh còn thể hiện sự đặc thù của mỗi đơn vị đào tạo.

Nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, gần 48% thí sinh nhập học theo phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT, trong khi xét tuyển qua phỏng vấn không có thí sinh nào.

Theo thống kê số liệu của Bộ GDĐT, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263 người, đạt 83,39% chỉ tiêu.

Tỉ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo các phương thức xét tuyển năm 2022. Ảnh: Bộ GDĐT
Một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học. Ảnh: Bộ GDĐT

Trong đó, tỉ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là cao nhất, với 47,98%. Phương thức xét tuyển có tỉ lệ thí sinh nhập học thấp nhất là phỏng vấn với 0%.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho rằng, xã hội có dư luận các trường sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển gây bất bình đẳng trong xét tuyển đại học.

"Nhưng thực tế tỷ lệ thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này rất thấp"- bà Thủy nêu quan điểm.

Chính vì lí do trên, Bộ GDĐT cho rằng, các trường cần chủ động đánh giá hiệu quả các phương thức xét tuyển, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển, từ đó loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả.

Các trường lên tiếng

Trước đề nghị bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả của Bộ GDĐT, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển thường có hai lý do. Một là mong muốn tuyển được nhiều thí sinh. Hai là thể hiện sự đặc thù của mỗi đơn vị đào tạo.

Ông dẫn chứng, năm 2022, Đại học Quốc gia TPHCM có phương thức xét tuyển thẳng 1 học sinh học giỏi nhất của trường THPT. Học sinh này chỉ cần thư giới thiệu từ trường THPT, Đại học Quốc gia TPHCM nhận ngay. Số lượng thí sinh trúng tuyển theo phương thức này không nhiều, chỉ vài chục em nhưng nhà trường đã truyền tải được thông điệp thu hút nhân tài và văn minh. Năm nay, trường vẫn tiếp tục duy trì phương thức xét tuyển này.

TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng, Bộ GDĐT không nên yêu cầu các trường bỏ phương thức xét tuyển vì đó là đặc thù và khẳng định sự tự chủ của trường đó.

"Các trường đưa ra nhiều phương thức xét có thể không hiệu quả về số lượng tuyển nhưng sẽ hiệu quả về mặt tự chủ" - ông Chính nhấn mạnh.

Đại diện Đại học Đà Nẵng cũng cho rằng, các phương thức xét tuyển mà các trường đưa ra là phù hợp với đào tạo và hướng tới phục vụ nhu cầu của từng đối tượng người học mà cơ sở hướng tới thu hút. Bộ GDĐT chỉ nên đóng vai trò khuyến cáo các trường chọn ít phương thức, từ 3 - 5 là đủ để tránh gây rối cho thí sinh.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ có đầy đủ dữ liệu các trường và cung cấp thông tin để các trường nhận thức sự khác nhau giữa các phương thức. Bộ không muốn kiểm soát chặt và cũng không làm giảm đi sự lựa chọn của thí sinh mà đang tăng cơ hội lựa chọn cho các em. 

Tuy nhiên, thực tế có sự không công bằng giữa các phương thức. Trách nhiệm của các trường là tự xác định phân tích các phương thức tương quan và tự xác định điểm đầu vào để là căn cứ đưa ra chỉ tiêu cho các phương thức khác nhau.  

“Bộ đưa ra khuyến cáo không dừng ở số lượng mà còn nhiều yếu tố khác để giúp các trường rà soát lại phương thức xét tuyển. Bộ không yêu cầu các trường bỏ phương thức xét tuyển mà đây là dịp lãnh đạo các trường xem xét phương thức này kia có thực sự hiệu quả không” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn