MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều thí sinh vẫn chọn ngành đăng ký xét tuyển theo số đông. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Nhiều ngành học "khát" nhân lực nhưng khó tuyển sinh

Tường Vân LDO | 13/03/2023 08:00

Trong nhiều năm nay, những ngành khoa học cơ bản, đào tạo truyền thống dù "khát" nhân lực nhưng lại rất khó tuyển sinh.

Vài năm trở lại đây, nhiều trường đại học có xu hướng mở thêm nhiều ngành nghề mới để bắt kịp được nhu cầu của xã hội cũng như người học

Trong khi đó, nhiều ngành nghề như y tế công cộng, khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và thủy sản hay môi trường,... tuy rất khát nhân lực nhưng lại rất khó tuyển sinh.

Nhiều thí sinh dễ dàng lựa chọn các ngành "hot" như kinh tế, marketing, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, thay vì thử thách ở những ngành đặc thù như khoa học tự nhiên, xã hội, nông nghiệp hay môi trường hay nhiều ngành nghề truyền thống khác. 

Tại nhiều cơ sở giáo dục đại học, điểm chuẩn các ngành khoa học cơ bản, nhóm ngành đào tạo truyền thống dù rất thấp vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, những ngành mới mở lại có điểm chuẩn tăng cao.

Chẳng hạn, năm 2022, trong 23 chuyên ngành của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường tại trụ sở chính Hà Nội có đến 9 chuyên ngành có điểm chuẩn ở mức 15 điểm.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, một số ngành mới mở lại luôn thuộc top ngành có điểm trúng tuyển cao nhất trường trong vài năm trở lại đây. Đơn cử như ngành Marketing với mức điểm chuẩn cao nhất trường với 27,5 điểm, tăng 1,5 điểm so với năm trước và cao hơn 12,5 điểm so với các ngành đào tạo chủ lực, truyền thống của nhà trường.

Điểm chuẩn Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội năm 2022. Ảnh chụp màn hình website nhà trường

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải chia sẻ, trong những năm qua, việc tuyển sinh vào các ngành nghề cơ bản còn gặp nhiều khó khăn. Điều này là do tâm lí xu hướng chọn nghề của thí sinh hiện nay khác với xu hướng phát triển xã hội.

Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, mùa tuyển sinh năm 2022, 64/330 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tuyển sinh kém, mức độ tuyển đạt dưới 50%; 94/440 ngành tuyển sinh kém, không đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu.

Đáng chú ý, trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT - chỉ ra, các cơ sở đào tạo tuyển sinh kém chủ yếu bởi nguyên nhân chưa đủ uy tín, thương hiệu hấp dẫn thí sinh.

Ngoài ra, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội. Cũng có thể bởi ngành đào tạo hẹp, mới thí điểm, thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Để chuẩn bị cho tuyển sinh đại học 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyến nghị: Cơ sở giáo dục đại học cần nắm bắt thị trường lao động. Chú ý sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và ngành.

Các cơ sở đào tạo cũng cần đổi mới nội dung ngành, chương trình, môi trường, phương pháp đào tạo. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông và quảng bá tuyển sinh. Các bộ ngành sử dụng nguồn nhân lực, cần thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo. Phía cơ sở đào tạo cần hỗ trợ thí sinh thực hiện chính sách tín dụng cho sinh viên theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn