MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học trường chuyên, thành tích học tập nổi bật nhưng TS Nguyễn Thị Trà My từng trượt đại học khi chưa đặt nguyện vọng phù hợp. Ảnh: NVCC

Nữ tiến sĩ và câu chuyện vượt qua khó khăn khi trượt đại học

Huyên Nguyễn LDO | 04/04/2022 17:30

“Học trường chuyên từ nhỏ nhưng tôi cũng từng… trượt đại học” - đó là chia sẻ của TS Nguyễn Thị Trà My về những vấp ngã ở ngưỡng cửa đại học mà mình đã từng trải qua. Theo TS Trà My, điều quan trọng là bản thân mỗi người cần đối diện để vượt qua khó khăn và chấp nhận với những thử thách, cơ hội mới.

Vượt qua cú sốc trượt đại học

Mấy ngày nay, đọc tin các bạn trẻ về áp lực trong học tập và cuộc sống, TS Nguyễn Thị Trà My – Phó trưởng Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên chợt nhớ về những khó khăn mình đã từng trải qua. 

Sinh ra và lớn lên tại Hà Tây (một tỉnh cũ, nay đã sáp nhập vào Hà Nội), TS Trà My từng là học sinh trường chuyên nổi tiếng bậc nhất của tỉnh. Thế nhưng, cô nữ sinh thời ấy lại trượt đại học.

“Khi nghe tin tôi trượt đại học, ai cũng bàng hoàng và không tin đó là sự thật bởi điểm của tôi năm đó không phải thấp – 23,5 điểm khối C. Trong hành trình học hành, có lẽ đó là lần thất bại đầu tiên, là cú sốc quá lớn đối với tôi. Không cần nói cũng biết năm đó tôi buồn thế nào. Nhìn các bạn đi học còn mình ở nhà. Vào mùa thì giúp mẹ đi cấy lúa, rảnh thì lôi sách vở ra tự ôn thi tiếp”, TS My chia sẻ.

Theo TS My, hồi đó cô chưa biết lượng sức mình, chưa có kinh nghiệm. Năm 2002 là năm đầu tiên đổi mới thi cử, chuyển từ thi trực tiếp vào các trường theo đề riêng sang hình thức thi đề chung để xét theo nguyện vọng. Thí sinh có thể được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào 3 trường nhưng hồi ấy cô nữ sinh chỉ có một ước ao duy nhất là được vào Khoa Ngữ Văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – ngôi trường danh giá bậc nhất thời ấy.

“Tôi đã không đăng ký thêm bất kỳ nguyện vọng nào cả dù cũng có xem qua một vài khoa, trường khác”, TS Trà My nhớ lại.

Hồi đó, thông tin về các trường không nhiều và dễ dàng tìm kiếm như bây giờ để tham khảo, lựa chọn. Bố mẹ ở nông thôn không có kinh nghiệm để tư vấn nên cô nữ sinh được toàn quyền quyết định con đường của mình. Bố mẹ ủng hộ và tôn trọng mọi sự lựa chọn của cô.

“Hồi ấy, tôi học, tôi thi, tôi chọn trường hoàn toàn dựa vào đam mê và sở thích của bản thân mà thiếu đi sự cân nhắc, suy xét nên đã không thể chạm tay vào ước mơ của mình. Trong khi, cũng năm đó, một số khoa khác của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ lấy khoảng 18 điểm. Trường Đại học Luật Hà Nội cũng có nhiều ngành chỉ lấy hơn 18 điểm. Dù không ai trách mắng! Dù bố mẹ rất mực an ủi, động viên nhưng, hồi ấy tôi vẫn khóc biết bao đêm, khóc hết bao nhiêu nước mắt!”, nữ giảng viên bồi hồi. 

Chấp nhận với những thử thách mới

Cú thất bại mang tên "trượt đại học" ấy đã giúp cô giáo Trà My ngày ấy dần nhận ra rằng mình hành động thế vẫn là chưa đủ; cần phải nỗ lực nhiều hơn cho ước mơ. Ngoài ra, mỗi người cũng cần tư duy và biết chọn cho mình những phương án phù hợp với năng lực của bản thân trước những ngã rẽ quan trọng của cuộc đời. Chính vì thế, một năm ở nhà, cô My chọn cách tự học, tự ôn luyện.

Đến mùa thi năm sau, tuy vẫn ôm ấp mộng thi lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để “phục thù” nhưng rồi lại vì hoàn cảnh gia đình, cô My đã theo bố mẹ lên Thái Nguyên sinh sống, lập nghiệp. Và rồi, cô đã đăng ký và đỗ vào Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Trong bốn năm học đại học, cô Trà My chia sẻ mình đã sống trọn vẹn với tuổi thanh xuân tươi đẹp. Suốt 4 năm trong vai trò Bí thư Chi đoàn và thành viên của Liên đi đoàn Khoa Ngữ văn, thành tích học tập, hoạt động phong trào vẫn luôn trong “top” đầu của lớp.

Từ một cô gái khá nhút nhát, cô đã dần chuyển hóa thành một người tự tin, hoạt bát, năng động. Cô đã có thật nhiều trải nghiệm quý giá trong những năm tháng sinh viên ngọt ngào ấy.

Ngay khi tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cô đã tham gia thi tuyển và trở thành giảng viên của Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên từ đó đến nay.

“Đến giờ tôi vẫn nghĩ đó là những cơ duyên không hẹn trước với mảnh đất Thái Nguyên – nơi mà tôi và đại gia đình tôi đã, đang và sẽ gắn bó với nơi này. Thái Nguyên đã cho tôi viết tiếp ước mơ theo một cách khác nhưng vẫn đẹp đẽ vô cùng. Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, ở đâu ta sống bình an, hạnh phúc bên những người thương yêu – đó chính là quê hương. Ở đâu, ta được làm công việc ta yêu, sống bên những người ta quý và cũng trân quý ta – đó chính là thiên đường. Và tôi vẫn cứ thầm cảm ơn – lần thất bại đầu tiên ấy để có tôi trưởng thành và hạnh phúc hơn của ngày hôm nay”, TS Trà My tâm sự.

TS Nguyễn Thị Trà My nhấn mạnh sẽ có đôi lúc chúng ta gặp phải bế tắc trong cuộc sống, áp lực trong học tập, công việc. Tuy nhiên, mỗi người cần nỗ lực và có niềm tin vào chính mình, chấp nhận những thách thức và tạo cho mình niềm tin và những cơ hội mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn