MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ôn thi tổ hợp môn KHXH: Bí quyết đạt điểm 9,10 môn Giáo dục công dân

Linh Tâm LDO | 19/02/2023 14:00

Với kinh nghiệm lâu năm trong việc ôn thi tốt nghiệp, cô Lê Thị Liên - giáo viên Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) đã bật mí một số phương pháp học ôn giúp học sinh đạt điểm tối đa môn Giáo dục công dân trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Xây dựng kế hoạch học và ôn khoa học

Dành lời khuyên cho học sinh, cô Liên cho biết, giai đoạn sau Tết Nguyên đán sẽ là thời gian để giáo viên hoàn thành chương trình học cho học sinh. Lúc này, thầy cô sẽ tổng hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, tập trung vào các nội dung trọng tâm của chương trình học, kết hợp với một số hình thức như kiểm tra bài cũ hoặc vấn đáp để giúp học sinh có thể nắm vững kiến thức cơ bản ngay tại lớp.

Vì vậy, để đạt kết quả tốt nhất, giai đoạn này học sinh cần tập trung, tận dụng tối đa thời gian trên lớp để học kiến thức. Các em cần tích cực tham gia các bài học thực hành trên lớp như đóng kịch, giải quyết tình huống… vận dụng kiến thức vào thực tế, nhớ nhanh và nhớ lâu hơn.

Cô Liên bật mí phương pháp ôn thi môn Giáo dục công dân đạt điểm cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo cô Liên, khác với các môn học khác, Giáo dục công dân có lượng kiến thức ít hơn, gói gọn trong 27 tuần học, nhưng kiến thức không đơn thuần trong sách giáo khoa mà đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng với thực tiễn cuộc sống.

“Trên lớp học sinh cần chú ý vào bài giảng của giáo viên, có thể ghi chép ngắn gọn hoặc theo dạng sơ đồ tư duy để dễ hiểu nhất. Học sinh nên tập trung vào các từ khóa của câu hỏi và đáp án, làm bài tập trong sách giáo khoa, đánh giá và phân tích các câu hỏi liên quan đến nội dung bài học. 

Sau mỗi bài giảng, học sinh nên hệ thống lại kiến thức bằng các câu hỏi trắc nghiệm. Phương pháp này sẽ giúp các em củng cố và khắc sâu được kiến thức đã học” - cô Liên cho hay.

Tích cực trau dồi kiến thức ngoài sách vở

Sau khi đã hoàn thành và tổng ôn tập toàn bộ chương trình học sẽ đến giai đoạn luyện đề. Lúc này, giáo viên bám sát vào cấu trúc đề minh họa để chuẩn bị giáo án và tài liệu một cách chính xác nhất, tránh trường hợp khiến học sinh học tủ học lệch.

Thời điểm này, ngoài đề ôn tập do nhà trường cung cấp, học sinh nên tìm hiểu thêm các đề thi và đề minh họa của các năm trước, đề của các tỉnh thành khác để nắm vững kiến thức. Sau khi hoàn thành, học sinh nên tự chấm bài, đối chiếu đáp án để rút ra kinh nghiệm.

“Đề thi sẽ bao gồm 4 cấp độ, dễ nhất là câu hỏi nhận biết, học sinh chủ động dành dưới 1 phút cho 1 câu. Ở những câu hỏi vận dụng khó hơn, có nhiều nhân vật trong một tình huống, học sinh nên đọc câu trả lời trước, gạch chân từ khóa rồi mới đọc câu hỏi.

Có nhiều khả năng khi vào phòng thi, thí sinh sẽ gặp phải những câu hỏi lạ, chưa từng gặp trước đó. Với trường hợp này, thí sinh cần xác định được từ khóa của câu hỏi và sử dụng phương pháp loại trừ" - cô Liên nói.

Theo giáo viên Trường THPT Quảng Xương 1, việc dạy và học môn Giáo dục công dân không chỉ đơn thuần là học thuộc sách giáo khoa mà cần trau dồi những kiến thức ngoài xã hội. Học sinh cần tích cực tìm tòi những dẫn chứng cụ thể trong thực tế để đưa vào bài học, giúp bản thân vừa ghi nhớ sâu kiến thức, biết vận dụng trong thực tế cuộc sống và có thể đạt kết quả cao trong kỳ thi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn