MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ôn thi tốt nghiệp THPT 2023: Không nên luyện đề như một cái máy

Thu Trang LDO | 12/03/2023 12:50

Việc luyện quá nhiều đề hay làm nhiều bài tập nhưng không có tính hệ thống là không cần thiết, gây quá tải cho chính thí sinh khi ôn thi tốt nghiệp THPT.

Mọi ngóc ngách đều là đề trắc nghiệm

Không chỉ xuất hiện trên kệ bàn, mặt bàn học, trên giường ngủ, đề trắc nghiệm các môn thi tốt nghiệp THPT còn ngập tràn trong bộ nhớ điện thoại, laptop cá nhân của Nguyễn Kim Hồng - học sinh lớp 12 tại Đông Sơn (Thanh Hóa). Đó cũng là cách nữ sinh này tiết kiệm thời gian, ôn tập mọi lúc mọi nơi khi có thể.

Các đề trắc nghiệm này chủ yếu được Hồng sưu tầm từ hội nhóm trên mạng xã hội, do các anh chị khóa trước để lại, một số ít là giáo viên bộ môn cung cấp. Bắt nguồn từ câu thần chú "luyện càng nhiều đề càng tốt" do bạn bè, anh chị truyền tai nhau nên Hồng nhất mực sưu tầm đề để ôn luyện.

"Ngay từ lúc chưa học xong chương trình trên lớp em đã bắt đầu làm đề trắc nghiệm, làm đến đâu em tra cứu kiến thức đến đó. Khi làm lại các câu hỏi tương tự, có câu em nhớ nội dung đáp án, có câu không. Thú thật, đến bây giờ em cũng không biết mình đã làm qua bao nhiêu đề, tiện đề nào em làm đề đó, cũng không tính toán" - Hồng kể.

Nhiều học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT không có kế hoạch, luyện đề tràn lan. Ảnh minh họa: Phùng Nhung

Mặc dù luyện đề liên tục trong thời gian dài nhưng đến nay nữ sinh vẫn chưa tự tin với khối kiến thức của mình. 4 đáp án trong từng câu hỏi đều khiến Hồng phân vân khi lựa chọn. Nữ sinh ngao ngán không hiểu tại sao mình đã rất cố gắng nhưng chưa thể hoàn thành trọn vẹn một đề thi.

"Em cảm thấy mình bị phụ thuộc vào tài liệu vì rất nhiều câu em phải mở sách tra kiến thức mới có thể khoanh được đáp án. Em không biết phải bắt đầu từ đâu để quá trình ôn tập đạt hiệu quả tốt nhất" - nữ sinh buồn bã.

Không nên luyện đề tràn lan

Dành lời khuyên cho học sinh, thầy Trần Đức Nội - giáo viên Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) cho biết, các em cần xây dựng chiến lược ôn thi cụ thể mới có thể đạt được kết quả tốt nhất.

Theo đó, học sinh phải học tập theo kế hoạch dạy học của nhà trường. Các em tập trung ôn luyện và nắm chắc toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa để “ăn chắc” những câu hỏi trong đề thi. Sau đó, trong quá trình dạy bài mới, giáo viên sẽ kết hợp giao thêm bài tập trắc nghiệm theo các chuyên đề, đề thi thử tốt nghiệp liên quan đến kiến thức tại thời điểm học, các em có thể vừa học vừa luyện đề để nắm vững kiến thức.

Giai đoạn tiếp theo là tổng ôn kiến thức theo từng chủ đề. Các em cần chú tâm luyện đề mà thầy cô giao, chấm chữa kỹ những câu sai và phải làm chắc chắn những câu đúng. Cuối cùng, khoảng 1 tháng trước khi thi, học sinh tập trung luyện đề.

"Ở giai đoạn này, học sinh không nên luyện quá nhiều đề vì dễ dẫn đến loạn kiến thức. Nhiều em có xu hướng lấy đề trên mạng, lưu về rất nhiều để giải. Tuy nhiên, việc luyện đề nhưng không chấm chữa kỹ sẽ dẫn đến lỗi sai chồng lỗi sai, không cải thiện điểm số" - thầy Nội nói.

Lưu ý đến thí sinh, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT cho biết, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình, chủ yếu ở lớp 12. Do đó, học sinh dựa theo chương trình và sử dụng sách giáo khoa là tài liệu chính để ôn tập.

Ngoài ra, các em có thể tham khảo đề thi minh họa của Bộ GDĐT công bố hồi đầu tháng 3.2023 để biết định dạng, cấu trúc đề thi và làm thử các bài kiểm tra theo dạng đề sau mỗi chương, chủ đề trong quá trình học.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học. Ảnh: Đặng Chung

"Để đạt được điểm cao, học sinh cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập với từng môn học. Để dễ nhớ, các em xây dựng đề cương dạng sơ đồ hóa theo từng chương, từng chủ đề của chương trình học.

Sau đó, học sinh luyện tập theo các câu hỏi, bài tập liên quan, trước khi mở rộng luyện tập theo yêu cầu vận dụng kiến thức. Bằng cách này, các em sẽ nắm vững và vận dụng được kiến thức theo 4 mức độ yêu cầu của đề thi là nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

Việc luyện quá nhiều đề hay làm nhiều bài tập nhưng không có tính hệ thống là không cần thiết, gây quá tải. Học sinh luyện tập theo đề thi với số lượng phù hợp, chủ yếu giúp các em biết cách thức làm bài ở các mức độ khác nhau, phân bố thời gian hợp lý và rèn luyện khả năng tập trung khi làm bài" - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn