MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh viên áp lực tăng học phí đại học kèm nỗi lo thất nghiệp

Phùng Nhung LDO | 07/04/2023 16:59

Nhiều trường đại học tăng học phí vô tình tạo thêm gánh nặng cho người học, kéo theo đó là nỗi lo tìm việc làm sau khi tốt nghiệp để xứng đáng với số tiền học đã đầu tư.

Hàng loạt trường tăng học phí

Sau hai năm giữ nguyên, nhiều trường đại học đã thông báo mức tăng học phí cho năm học 2023 - 2024. Ở khu vực phía Bắc, Học viện Tài chính dự kiến mức học phí 22 - 24 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo chương trình chuẩn (tăng 10 - 20% so với hiện tại). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48 - 50 triệu.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên hơn 500.000 đồng/tín chỉ với khóa tuyển mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng/tín chỉ, mức cũ là 1,3 triệu đồng.

Trường Đại học FPT tăng học phí chính khóa lên 28,7 triệu đồng/học kỳ, tương đương cả năm 57,4 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, năm 2020 và 2021, sinh viên phải đóng 25,3 triệu đồng/học kỳ, năm học 2022 và 2023, học phí là 27,3 triệu đồng/học kỳ.

Trường Đại học Mở Hà Nội, Y tế công cộng, Điện lực, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đưa ra mức học phí tăng so với các năm học trước.

Ở khu vực phía Nam, Trường Đại học Kinh tế TPHCM; Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM); Trường Đại học Công nghệ TPHCM; Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM; Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng có thông báo áp dụng khung học phí mới từ năm học 2023 - 2024.

Tăng học phí vô tình tạo thêm áp lực cho sinh viên. Ảnh minh họa: Bích Hà

Tăng học phí, tăng nỗi lo

Trong bối cảnh tăng học phí, bài toán về kinh tế khiến nhiều phụ huynh, sinh viên băn khoăn. Đỗ Thuý Vi - sinh viên Học viện Tài chính bày tỏ lo lắng bởi học phí tăng, đồng nghĩa sẽ tăng gánh nặng cho gia đình.

Ngoài việc bố mẹ chu cấp cho Vi học đại học còn phải lo cho các em ăn học. Không chỉ chi trả về học phí mà còn rất nhiều khoản khác như tiền ăn ở, đi lại, học thêm ngoại ngữ… Hàng tháng bố mẹ sẽ chu cấp một khoản nhất định, Vi vẫn phải đi làm thêm để trang trải tiền sinh hoạt hằng ngày. Tăng học phí, em và gia đình sẽ vất vả hơn.

Nỗi lo lớn nhất của nữ sinh là việc bỏ thời gian, tiền bạc nhưng ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành. Học đại học với mong muốn bám trụ lại thành phố với công việc ổn định, tương lai tốt cho bản thân và gia đình. Nếu không đạt được kỳ vọng thì mọi cố gắng của Vi sẽ “đổ sông, đổ bể".

Tạ Như Quỳnh - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng bộc bạch, tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt hàng tháng, nữ sinh phải tiết kiệm để cân đối các khoản chi tiêu. Mức tăng vài triệu đồng với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn là cả một số tiền lớn, tương đương với chi phí sinh hoạt của cả nhà trong vòng 1 tháng.

“Thực trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng thất nghiệp rất lớn, bản thân em cũng hoang mang. Bố mẹ ở quê quanh năm vất vả, bán củ khoai, củ sắn tích góp từng đồng cho con ăn học. Nếu ra trường không có việc làm, bố mẹ sẽ buồn và thất vọng rất nhiều." - Như Quỳnh nêu quan điểm.

Theo nữ sinh, học phí tăng, cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo giảng dạy cũng tăng theo. Để giảm áp lực học phí, sinh viên có thể cân đối đi làm thêm để phụ giúp gia đình, nỗ lực học tập giành học bổng, đạt giải trong các cuộc thi. Đặc biệt, cần nỗ lực học tập, trau dồi kỹ năng mềm để tự tin ra trường có việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn