MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh học ngành kỹ thuật có cơ hội việc làm rộng mở. Ảnh: Thiều Trang

Sinh viên học ngành kỹ thuật được săn đón, cơ hội việc làm rộng mở

Tường Vân LDO | 26/07/2023 19:06

Trong nhiều năm trở lại đây, nhóm ngành kỹ thuật, khoa học cơ bản luôn trong tình trạng "khát" nhân lực, nhưng lại khó tuyển sinh đầu vào.

Băn khoăn cơ hội việc làm

Nguyễn Quang Anh Phi, học sinh Trường THPT Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) dự kiến sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để đăng kí xét tuyển vào các trường đào tạo về kỹ thuật. Dựa trên sở thích, đam mê của mình, Anh Phi đang hướng đến 2 ngành: Kỹ thuật cơ khí, Điện điện tử.

"Em chọn ngành trước khi chọn trường. Trong quá trình lựa chọn, điều em băn khoăn là cơ hội việc làm sau khi ra trường" - Anh Phi nói.

Tương tự như Anh Phi, em Nguyễn Ngọc Linh - học sinh Trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng lựa chọn theo học khối ngành kỹ thuật vì nhận thấy bản thân có năng khiếu về môn Hoá học.

Ngọc Linh chia sẻ, em dự tính sẽ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào Đại học Bách khoa và Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

Là con gái, lại chọn học ngành kỹ thuật, nên không ít lần em được khuyên nên suy nghĩ lại, lựa chọn ngành nghề khác nhẹ nhàng, đỡ vất vả hơn.

"Mình có năng khiếu thì nên lựa chọn theo năng lực, sở trường. Em tin mình có thể duy trì và theo đuổi ngành nghề mà mình lựa chọn. Được học tập, làm việc theo đúng sở trường sẽ tốt hơn rất nhiều so so với chạy theo xu hướng hay theo lựa chọn của bố mẹ" - nữ sinh nói.

Ngành khoa học, kỹ thuật "khát" nhân lực, nhưng khó tuyển sinh

Thạc sĩ Nguyễn Kim Chung - Phó Trưởng phòng Quan hệ công chúng và Doanh nghiệp, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, khối ngành kĩ thuật hiện nay vô cùng "khát" nhân lực.

Thầy cô Trường Đại học Mỏ - Địa chất tư vấn cho học sinh, phụ huynh về những cơ hội việc làm đối với nhóm ngành kỹ thuật. Ảnh: Minh Hà

"Hàng năm nhà trường nhận được nhiều đơn đặt hàng từ doanh nghiệp liên quan đến các nhóm ngành như: Kỹ thuật địa chất, Kỹ thuật trắc địa, Khai thác mỏ, Địa chất công trình, Địa kỹ thuật xây dựng,… Tuy nhiên, số sinh viên đào tạo không đủ cung cấp cho thị trường lao động" - Thạc sĩ Nguyễn Kim Chung chia sẻ.

Mặc dù "khát" nhân lực, nhưng những ngành này thường rất khó tuyển sinh. Nguyên nhân là bởi xã hội, phụ huynh, học sinh còn nhiều định kiến, cho rằng các nhóm ngành khoa học, kỹ thuật vất vả, khó xin việc, thu nhập không cao.

Qua công tác tuyển sinh nhiều năm, Thạc sĩ Nguyễn Kim Chung đánh giá, những quan điểm trên không còn phù hợp trong bối cảnh hiện đại. Bà nêu ví dụ:

"Khi thực hiện công tác trắc địa kỹ thuật, trước kia, chúng ta phải dùng thiết bị thô sơ thì hiện nay, hoàn toàn có thể xử lí trên hệ thống điện tử. Do đó, công việc, ngành nghề, lĩnh vực kĩ thuật không quá vất vả như chúng ta thường nghĩ. Những sinh viên tốt nghiệp, ra trường, được doanh nghiệp chào đón, cơ hội việc làm rộng mở".

Thông tin về công tác tuyển sinh năm nay của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Thạc sĩ Nguyễn Kim Chung cho biết, trường mở thêm một số ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội như Du lịch địa chất, An toàn Vệ sinh Lao động, Hoá dược, Kỹ thuật tài nguyên nước,… Đây đều là những ngành tài năng, có cơ hội việc làm rộng mở, thu nhập hấp dẫn mà thí sinh, phụ huynh có thể chưa tiếp cận được thông tin.

"Nhà trường chú trọng 2 ngành: Du lịch địa chất và An toàn vệ sinh lao động. Tất cả các kì quan của Việt Nam hiện giờ đều đang hình thành từ cấu tạo địa chất đặc biệt và không phải ai cũng có thể hiểu rõ cấu tạo địa chất của các kì quan đó. Du lịch địa chất gắn với trải nghiệm, tạo hứng thú cho du khách, phù hợp với xu hướng phát triển công viên địa chất toàn cầu hiện nay.

Còn với ngành An toàn vệ sinh lao động, theo các bộ luật, nghị định hiện hành của Chính phủ, bất kì cơ quan xí nghiệp nào có quy mô từ 50 người trở lên, đều cần 1 chuyên viên phụ trách về an toàn lao động. Quy mô doanh nghiệp càng lớn, càng cần nhiều kĩ sư về An toàn vệ sinh lao động. Như vậy, cơ hội việc làm cho 2 nhóm ngành này là rất rộng mở, đặc biệt là khi các em được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp" - Thạc sĩ Nguyễn Kim Chung phân tích.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn tuyển sinh, bà Chung khuyên thí sinh, dù ở bất kỳ môi trường đào tạo, lựa chọn ngành nghề gì, quá trình học không chỉ kiến thức, các em cần trang bị ngoại ngữ, kĩ năng mềm. Nếu làm được việc đó, các em sẽ không cần phải lo lắng về cơ hội việc làm, thu nhập sau khi ra trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn