MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều sinh viên bất lực vì không thuê được nhà trọ. Ảnh: NVCC

Sinh viên tìm mọi cách vẫn không thuê được phòng trọ

Phùng Nhung LDO | 03/10/2022 06:19
Hiện nhiều khu nhà trọ quanh các trường đại học lớn đang "cháy" phòng khiến nhiều sinh viên rơi vào cảnh không có chỗ ở, thậm chí ký túc xá cũng hết suất.

Ký túc xá thiếu chỗ cho sinh viên

Vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên phụ huynh Nguyễn Hải (Thanh Hóa) hiện có con theo học tại Học viện Ngân hàng đã nộp đơn đăng ký cho con vào ký túc xá. Tuy nhiên sau khi hoàn thiện hồ sơ thì ban quản lý báo đã hết phòng.

“Tôi muốn đăng ký cho con vào ký túc xá ở để giảm bớt chi phí sinh hoạt. Vì số lượng phòng có hạn nhưng sinh viên lại đông nên tạm thời hết phòng. Ban quản lý ký túc xá trả lời rằng phải đợi 3 tháng nữa, khi sinh viên năm cuối tốt nghiệp thì sẽ có phòng trống để ở” - anh Hải kể lại.

Mọi dự định ban đầu diễn ra không suôn sẻ, anh Hải đành cho con ở ghép với hai sinh viên khác, phòng có giá cho thuê là 2,5 triệu đồng/tháng. Vị phụ huynh này cho biết, tính thêm cả tiền điện nước và phụ phí thì mỗi tháng sẽ phải chi trả khoảng 1 triệu đồng/người. Với nhiều người, đây là số tiền không lớn nhưng đối với gia đình làm nông và đông con như anh Hải là cả một nỗi lo.

"Trước mắt, tôi vẫn phải thuê trọ cho con ở ngoài chứ không còn sự lựa chọn nào khác. Mong muốn lớn nhất là 3 tháng sau đúng như lời hẹn của nhà trường, con sẽ được dọn vào ký túc xá để bố mẹ yên tâm” - anh Hải hy vọng.

Tại Hà Nội, rất ít trường đại học có thể đáp ứng đủ chỗ ở ký túc xá cho sinh viên có nhu cầu. Phần lớn các trường đều xét theo đối tượng ưu tiên nên sinh viên bình thường gần như không có cơ hội tiếp cận chỗ ở trong ký túc xá. 

Ví dụ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đầu năm, nhà trường chỉ tiếp nhận đăng ký ở ký túc xá đối với các sinh viên khóa mới. Không những thế, tân sinh viên cũng phải thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định mới được ở. Nguyên nhân là ký túc xá không đủ chỗ để đáp ứng hết mọi yêu cầu của sinh viên.

Hay Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ xét ưu tiên một số đối tượng được ở ký túc xá như diện chính sách xã hội, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của người có công...

Vượt đường xa để đến trường

Nhắc đến việc tìm trọ, Nguyễn Nhung - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thở dài ngao ngán. Nữ sinh cho biết dù đã tìm kiếm cả nửa tháng nhưng không thể tìm được phòng trọ ưng ý.

"Có muôn vàn câu chuyện dở khóc dở cười khi đi tìm trọ. Em tìm cả trên mạng xã hội, nhờ người quen giới thiệu nhưng không thành công. Nhiều khi có bài đăng cho thuê phòng, vừa qua đến nơi đã có hàng chục người xếp hàng ở đó chờ xem phòng giống mình” - nữ sinh cười trừ.

Nguyễn Nhung cho biết, em đã mở rộng phạm vi tìm trọ sang những khu vực lân cận như Cầu Diễn, Mỹ Đình, Đình Thôn, Hồ Tây, chấp nhận ở xa trường miễn là có phòng để ở, nhưng vẫn không thành.

"Nhà thuê hiện tại đã hết hợp đồng, em trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan không tìm được phòng trọ để ở mà cũng không tìm được phòng ở ghép. Hết cách, em quyết định dọn đồ gửi ở phòng bạn và về nhà, chấp nhận đi học xa trường cả mấy chục cây số” - Nguyễn Nhung nói.

Nữ sinh cho biết, nhà em ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cách trường hơn 30km. Những hôm có tiết học buổi sáng Nhung phải đi thật sớm để kịp giờ vào lớp. Buổi chiều được nghỉ nên trưa em sẽ về nhà. Tình trạng này đã diễn ra cả tuần nay khiến Nhung chán nản vô cùng.

Hiện nhiều sinh viên không tìm được phòng trọ, bất đắc dĩ phải hợp đồng với nhà nghỉ giá 300.000 đồng/ngày, số khác lựa chọn ở homestay chật chội với giá cao đợi ngày có phòng cho thuê.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn