MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí năm học 2023. Ảnh: Vân Trang

Tăng học phí đại học: Không thể để gánh nặng dồn lên vai người học

Tường Vân LDO | 03/04/2023 19:40

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng, mức tăng học phí đại học cần hợp lí, không thể để gánh nặng dồn lên vai người học. 

Các trường đồng loạt tăng học phí

Theo nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí, năm học 2022 - 2023, mức trần học phí đại học chưa tự chủ dao động từ 13,5 - 27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng). Các trường đại học tự chủ có mức học phí cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với các trường chưa tự chủ.

Nghị định này có hiệu lực chính thức từ ngày 15.10.2021. Theo đó, từ mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học công lập đã thông báo, thậm chí thu học phí tăng theo quy định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã yêu cầu không tăng học phí ở tất cả các bậc học. Hàng loạt trường đại học sau đó, đã thông báo trả lại tiền học phí chênh lệch cho sinh viên do đã thu theo mức mới.

Sau 2 năm không tăng học phí, nhiều trường đại học, học viện, dự kiến tăng 10-20% học phí từ năm học 2023-2024. 

Chẳng hạn như Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Y tế công cộng, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo học phí năm học 2023-2024 của 12 khoa, trường thành viên được thu theo Nghị định 81. Theo đó, mức trần học phí năm học tới với đại học công lập chưa tự chủ khoảng 13-28 triệu đồng, tăng 13-50%. Với các trường tự chủ, học phí tối đa có thể gấp 2,5 lần mức trên.

Trong đề án tuyển sinh đại học năm nay, Học viện Tài chính dự kiến mức học phí 22 - 24 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo chương trình chuẩn (tăng 10 - 20% so với hiện tại). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48 - 50 triệu.

Trường Đại học Điện lực cũng đưa ra mức học phí năm tới 16 - 18 triệu đồng/năm học (tăng 14% so với năm trước).

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên thành hơn 500.000 đồng một tín chỉ với khóa tuyển mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng mỗi tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu đồng.

Trường Đại học FPT tăng học phí chính khóa là 28,7 triệu đồng/học kỳ, tương đương cả năm 57,4 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, năm 2020 và 2021, sinh viên phải đóng 25,3 triệu đồng/học kỳ, năm học 2022 và 2023, học phí là 27,3 triệu đồng/học kỳ.

Mức tăng học phí cần phải phù hợp

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng, việc các trường thông báo tăng học phí từ năm học này là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc tăng như thế nào lại là vấn đề cần đặt ra.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Huyên Nguyễn 

"Chất lượng đào tạo quyết định chi phí đào tạo. Hiện nay, với các trường đại học công lập, chi phí đào tạo đến từ các nguồn: Ngân sách nhà nước; các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ,... và học phí. Như vậy, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo" - ông Khuyến phân tích. 

Để gánh nặng học phí không dồn tất cả lên vai người học, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, bên cạnh sự chủ động tìm kiếm, gia tăng nguồn thu từ các dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ của nhà trường, còn cần đến sự đầu tư phù hợp từ nhà nước.

"Học phí đại học phải phù hợp với thu nhập của người dân chứ không được nâng lên cao chót vót. Các trường đại học không thể lấy cớ nâng cao chất lượng đào tạo, vẽ ra chi phí. Bởi nếu như vậy, hậu quả là người nghèo, đối tượng thu nhập thấp khó cơ cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học" - ông Khuyến bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn