MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thí sinh không nên chọn trường theo hiệu ứng đám đông

Tường Vân LDO | 28/07/2023 06:56

Nhiều thí sinh lựa chọn ngành nghề theo sở thích, đam mê. Nhưng cũng không ít em chọn nghề chạy theo hiệu ứng đám đông.

Chọn nghề dựa trên yếu tố sở thích, đam mê

Em Dương Đức Nhật (Hoàng Mai, Hà Nội) đang cân nhắc việc sắp xếp thứ tự ưu tiên trong xét tuyển đại học với 3 ngành: Hoá học, Hoá dược, Công nghệ kỹ thuật Hoá học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chia sẻ về lí do lựa chọn các ngành này, Đức Nhật nói rằng, em có sở thích đặc biệt với môn Hoá. Đây cũng là thế mạnh của em trong suốt 3 năm học bậc THPT.

"Em đang phân vân thứ tự của các ngành. Việc lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng của em dựa vào điểm thi của mình, sở thích, đam mê cũng cơ hội việc làm sau khi ra trường. Em không chạy theo ngành "hot" như một số bạn bè cùng trang lứa" - Đức Nhật chia sẻ.

Em Phùng Minh Tâm (Bắc Giang) cũng đã tham khảo và lựa chọn ngành nghề dựa trên khả năng, sở trường của bản thân.

Nhận xét mình có tính cách hướng ngoại, thích tham gia các hoạt động công tác xã hội, Minh Tâm đã chọn ngành Quan hệ Công chúng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

"Em hy vọng mình sẽ trúng tuyển ngành này, phát huy được hết thế mạnh của bản thân và tìm được công việc ổn định sau khi ra trường" - Minh Tâm chia sẻ.

Thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Minh Hà

Nếu Đức Nhật và Minh Tâm lựa chọn ngành nghề dựa trên năng lực, sở thích, thì nhiều thí sinh khác lại chọn ngành nghề chạy theo xu hướng.

Điều này cũng lí giải cho việc, nhiều ngành hot như: Công nghệ thông tin, Logistics, Quản trị Kinh doanh,... luôn có điểm chuẩn cao ngất ngưởng trong nhiều năm qua.

Thí sinh không nên chạy theo ngành hot

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hoá tại Hà Nội cho rằng hiện nay, phần lớn thí sinh có xu hướng tập trung nguyện vọng vào các nhóm ngành liên quan đến Công nghệ thông tin nói chung và các ngành liên quan đến Kinh tế. Hai nhóm ngành này thường có mức điểm cao hơn so với các ngành khác.

Chia sẻ về tư duy lựa chọn trường, ngành phù hợp với mức điểm thí sinh đang có, thầy Ngọc khuyên những thí sinh ở mức điểm "ngấp nghé" của nhóm ngành Công nghệ, Kinh tế, nên cân nhắc thử mở rộng suy nghĩ của mình để tìm hiểu thêm những nhóm ngành thực tế trong xã hội.

Chẳng hạn, các nhóm ngành như Khoa học kỹ thuật, Nông nghiệp, Chăn nuôi thú y, Thuỷ sản,... Đều là những ngành xã hội có nhu cầu lớn, có tiềm năng nhưng lại không được số đông lựa chọn.

"Thành công trong cuộc sống không hẳn có mối tương quan chặt chẽ với điểm số của thí sinh ngày hôm nay. Không phải cứ học trường đại học top đầu thì sẽ thành công và các bạn học trường top dưới không thể thành công.

Sự thành công còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Có những bạn rất giỏi nhưng lựa chọn hướng đi quá khó và không ra được thành quả cụ thể thì như thế không hẳn là thành công. Cũng có trường hợp rất có năng lực nhưng lại vào một tập thể không tốt sẽ không phát huy được hết khả năng của mình" - thầy Ngọc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn