MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Ngọc Lê

Thí sinh nên chọn ngành trước rồi mới chọn trường

Vân Trang LDO | 02/05/2023 18:39
Vấn đề chọn ngành, chọn nghề luôn nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, thí sinh nên chọn ngành nghề trước khi chọn trường.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và thời gian để thí sinh đăng ký xét tuyển đang cận kề. Vấn đề chọn ngành nghề như thế nào, đăng ký xét tuyển ra sao đang được rất nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm.

Qua các mùa tuyển sinh, không ít học sinh chưa đánh giá chính xác năng lực của bản thân dẫn đến chọn ngành nghề quá sức, không phù hợp với sở trường của mình.

Nhiều em chạy theo những ngành nghề “hot” mà không xác định được thế mạnh và không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Liên quan đến về đề này, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng, thí sinh cần cân nhắc kĩ lưỡng, lựa chọn cả ngành học và chọn cả trường học. Tuy nhiên, việc chọn ngành sẽ phải thực hiện trước khi chọn trường.

Để chọn được một ngành học, theo ông Nghệ, mỗi thí sinh phải xem xét dựa trên năng lực, sở trường của bản thân.

"Hiện nay, có nhiều giải pháp để xác định năng lực của mình phù hợp với ngành nào. Chẳng hạn các em có thể thực hiện các bài test, trả lời các câu hỏi. Hay tự bản thân em học sinh nhận thấy những môn mình học tốt ở bậc phổ thông phù hợp với ngành nào.

Hay các em cũng có thể hỏi kinh nghiệm người đi trước, bố mẹ, người thân, anh chị em, những chuyên gia về lĩnh vực đó để xác định với phẩm chất, năng lực của mình phù hợp với ngành nghề nào.

Ngoài năng lực sở trường, yếu tố tiếp theo các em cần cân nhắc là đam mê. Các em có thể có năng lực nhưng không thích cũng không nên lựa chọn ngành học đó" - TS Phạm Như Nghệ phân tích. 

Sau khi lựa chọn ngành mình mong muốn, thí sinh sẽ tiến hành chọn trường. Bởi cùng một ngành nhưng sẽ có nhiều trường đào tạo.

Để chọn trường, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho rằng, thí sinh cần cân nhắc dựa trên mức học lực, kết quả học tập ở của bản thân. Từ đó, có sự so sánh, đối chiếu điểm chuẩn các trường qua các năm và khả năng học tập của chính mình.

Ngoài ra, các em cũng cần tìm hiểu địa điểm, vị trí của ngôi trường đó. Nếu trường xa với khu vực sinh sống, ngoài học phí, các em còn phải thêm khoản chi phí sinh hoạt, ăn ở, đi lại.

Để giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về những cơ hội việc làm sau khi ra trường, TS Phạm Như Nghệ lưu ý, giữa ngành nghề xã hội và ngành nghề đạo tạo trong nhiều trường hợp không trùng nhau. 

“Nếu học sinh muốn trở thành giáo viên phổ thông. Em có thể học nhiều ngành khác nhau, ví dụ các ngành Sư phạm Toán, Hoá, Địa lý,.. Nhưng về các trường vẫn có thể tuyển các học sinh tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Quản lí giáo dục, cử nhân Toán,…

Hay nếu muốn làm trong ngành Y, thí sinh có thể học Dược sĩ, Điều dưỡng, Tâm lí học, Pháp luật,...” - ông Nghệ nêu ví dụ và nhấn mạnh quan điểm, thí sinh cần chọn trường phù hợp với sở trường, đam mê, học lực và điều kiện kinh tế của gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn