MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tự do mong mỏi được cộng điểm ưu tiên khu vực. Ảnh: LĐO

Thí sinh tự do đồng loạt kiến nghị giữ nguyên điểm ưu tiên khu vực

Thiều Trang LDO | 20/04/2022 11:37

Hiện nay, nhiều thí sinh tự do có chung bức xúc vì bị mất quyền cộng điểm ưu tiên khu vực. Trên một số diễn đàn thi cử, các thí sinh đang kêu gọi gửi kiến nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

Bị tước bỏ quyền được là thí sinh bình thường

"Việc thi lại của các thí sinh tự do gặp rất nhiều khó khăn, chúng em không được học tập trực tiếp tại trường, phải chịu nhiều ý kiến trái chiều từ những người xung quanh. Chúng em đã phải đấu tranh rất nhiều để được tiếp tục thể hiện bản thân mình.

Gia đình đã cho em thêm cơ hội thi lại, nếu lần này thất bại em không biết phải đối mặt với mọi người như thế nào. Thời gian qua em đã chịu rất nhiều áp lực, thậm chí stress đến mức sắp trầm cảm. Với em, điểm ưu tiên là một lợi thế, là sự động viên to lớn, nó sẽ mở ra cho chúng em nhiều cơ hội hơn.

Bản thân em khi nghe thông tin này em cảm thấy rất hụt hẫng, hoang mang và có tư tưởng chán nản muốn từ bỏ. Em cảm thấy bị tước bỏ quyền được là thí sinh bình thường, bị cướp mất sự động viên.

Em khẩn thiết mong Bộ GDĐT xem xét và tạo cho chúng em cơ hội để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình" - đây là những kiến nghị của em Đinh Thị Kiều Loan (Phú Thọ) sau khi Bộ GDĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh 2022, với điểm mới là chỉ cộng điểm ưu tiên khu vực với thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh tự do nếu thi lại để lấy điểm xét tuyển đại học sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực.

Để công bằng thì Bộ GDĐT nên bỏ điểm ưu tiên khu vực

"Năm em thi đại học, em chỉ thiếu 0,1 điểm để đỗ vào ngôi trường mình mong ước. Năm nay, em quyết tâm ôn luyện để thi lại. Gia đình không có điều kiện nên em vừa làm vừa học, có bạn vừa học đại học vừa ôn thi.

Lâu nay, em xác định ôn thi lại vẫn được cộng điểm vùng, em cũng xác định khoảng điểm của mình cần đạt được. Tuy nhiên, Bộ GDĐT lại xây dựng quy chế bỏ điểm ưu tiên của thí sinh tự do, em cảm thấy thất vọng vì thông tin đến quá đột ngột.

Chưa kể có những bạn thí sinh chưa tham gia kỳ thi tuyển sinh vì nhiều lý do như đi nghĩa vụ quân sự, đi làm để có kinh tế học tập... các bạn ấy vẫn quyết tâm ôn thi lại để vào ngôi trường mình mong ước. Những thí sinh tự do đó chưa được cộng điểm thì công bằng ở đâu?

Thí sinh tự do đã gặp rất nhiều khó khăn, Bộ GDĐT còn thay đổi ở phút chót. Điều này đã tạo ra áp lực rất lớn cho chúng em. Nếu bỏ điểm ưu tiên khu vực để tạo công bằng thì em mong Bộ GDĐT hãy bỏ hết toàn bộ" - Nguyễn Anh (Lai Châu) chia sẻ.

Không phải thí sinh tự do nào cũng có thuận lợi ôn thi lại

"Em sinh năm 2003 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và sinh sống ở miền núi, vì vậy em không có điều kiện để đi học thêm. Em cũng phải phụ giúp gia đình về kinh tế nên quyết định không thi đại học.

Năm nay, sau khi ổn định hơn một chút, em mạnh dạn ôn luyện để thi lại thì nhận thông tin về một số điểm mới trong tuyển sinh 2022. Trong đó có quy định thí sinh tự do sẽ không được cộng điểm vùng.

Với cá nhân em, không phải thí sinh tự do nào cũng có lợi thế, cơ hội học tập, ôn luyện với thời gian nhiều hơn so với thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp lần đầu. Theo em, đã là thí sinh tham gia cùng một kỳ thi, ngồi cùng một phòng thi, cùng bỏ sức bỏ công ra học thì việc thí sinh tự do không được hưởng chính sách cộng điểm ưu tiên là bất bình đẳng.

Vì vậy, em mong Bộ GDĐT xem xét và điều chỉnh lại quyết định để “công bằng với thí sinh” như nguyên tắc Bộ đã đề ra" - đề xuất của Nguyễn Ngọc (Yên Bái).

"Thí sinh thi lại ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn không có điều kiện đi học thêm, phải tự mày mò việc học. Điểm ưu tiên khu vực chính là điểm khuyến khích tinh thần và là động lực cho chúng em cố gắng học tiếp. Tại sao lại tước đi quyền lợi nhỏ nhoi này của chúng em.

Nếu mọi người nghĩ rằng chúng em có nhiều thời gian ôn thi hơn thì đó là cách nhìn thiển cận. Có rất nhiều bạn tháng 3 mới bảo lưu đại học để ôn thi lại, hoặc có những bạn vừa học vừa làm, có những bạn sau nhiều năm mới học lại. Nhiều người còn phải chịu áp lực lớn từ gia đình, bạn bè, hàng xóm, họ hàng. Dự thảo này đang gây thêm áp lực cho chúng em. Thí sinh tự do không phải siêu nhân, chúng em cần được hưởng quyền lợi như mọi thí sinh khác" - Lê Phan Thùy Linh (Vĩnh Phúc) bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn