MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có nhiều lý do để những thí sinh U50, U60 dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: L.P

Thí sinh U50, U60 và kỷ niệm đẹp thi tốt nghiệp THPT 2022

Huyên Nguyễn LDO | 08/07/2022 19:42
TPHCM - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại TPHCM có những thí sinh đặc biệt, dù đã gần 50-60 tuổi nhưng họ vẫn ấp ủ những khát khao được tự làm chủ tri thức, được một lần trải nghiệm kỳ thi quốc gia. 

Đồng hành cùng con 3 lần dự thi tốt nghiệp 

Bên cạnh những thí sinh mới chỉ độ tuổi 17-18, điểm thi Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8, TPHCM) còn đón một thí sinh đặc biệt. Ông Nguyễn Minh Đức năm nay đã 58 tuổi, làm công việc tự do ở quận 8. Ông là thí sinh lớn tuổi tại TPHCM dự thi lần này, đặc biệt đây là lần thứ 3 ông đi thi.

Chia sẻ với báo chí, ông Đức cho biết, thời còn trẻ ông cũng rất thích đi học nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chỉ được học đến hết lớp 9 rồi nghỉ. Sau này khi đã lập gia đình, ông cũng cố gắng học được hết lớp 12 nhưng vì nhiều lý do nên cũng không thi tốt nghiệp THPT.

Cả cuộc đời, gia tài lớn nhất của ông chính là ba người con, vì thế mỗi lần con dự thi kỳ thi quan trọng này, ông cũng đều đồng hành cùng con. Đến nay, con gái lớn của ông Đức đã trở thành giáo viên tiểu học, con trai thứ 2 cũng đã là kỹ sư cơ khí và con út dự thi kỳ thi năm nay.

“Tôi có 3 đứa con. Cách đây 6 năm, con gái lớn của tôi thi tốt nghiệp THPT, thế là tôi đăng ký đi thi cùng với con với danh nghĩa thí sinh tự do. Đến năm 2018, con trai thứ hai của tôi đi thi, tôi cũng làm y chang như vậy và kết quả đều bị rớt. Năm nay, con trai út của tôi thi, tôi cũng thi” - ông Đức chia sẻ với báo chí.

Ông Minh Đức làm thủ tục dự thi tại điểm thi Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8, TPHCM). Ảnh: L.P

Với một người đã gần 60 tuổi, việc học của ông Đức cũng gặp không ít khó khăn do tuổi cao, mắt kém. Tuy vậy, ông vẫn quyết tâm đến trường thi, muốn thể hiện cho con cái biết về tinh thần hiếu học của cha.

“Từ quyết tâm của mình, tôi mong các con đừng nản lòng mỗi khi gặp khó khăn trong học tập. Chương trình bây giờ khác ngày xưa, tôi học lại cũng chật vật lắm, về nhà cứ phải nhờ 3 đứa con giảng giải thêm" - thí sinh lớn tuổi nhất TPHCM chia sẻ. 

Con trai đưa ba mẹ đi thi

Còn tại điểm thi Trường THCS Thị Trấn 2 (huyện Củ Chi, TPHCM), anh Phan Văn Lâm (47 tuổi) được con đưa đến dự thi trong hai ngày của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Anh Lâm cho hay, mục đích của mình khi tham gia kỳ thi này chỉ để được thi tốt nghiệp, được trải qua cảm giác thi cử - điều mà anh không được làm trước đây.

"Hồi nhỏ vì không có điều kiện nên tôi không được học, không được thi tốt nghiệp. Đến bây giờ, khi cuộc sống ổn định, con cái đã lớn và vào đại học, tôi mới thực hiện ước mơ của mình" - anh Lâm cho hay.

Khi chia sẻ ý định này với vợ con, anh Lâm nhận được sự ủng hộ và đồng hành của cả gia đình trong quá trình học tập. Anh kể, con trai mình nói, trước đây ba đưa con đi thi, bây giờ đến lượt con đưa ba đi. Trước đây ba hồi hộp, chờ đợi con từng phút, thì bây giờ để con làm điều đó để cảm ơn ba.

Nói về cảm xúc khi dự thi, anh Lâm chia sẻ rất hồi hộp, lo lắng và sợ làm bài không được. Tuy nhiên, điều anh cảm thấy nhiều hơn cả là sự hạnh phúc. Anh nói, cảm giác được bước vào điểm thi, được gọi tên vào phòng, được ngồi vào bàn thi, nhận đề, làm bài… là trải nghiệm rất hạnh phúc. Bởi lẽ, sau rất nhiều năm ấp ủ, anh cũng thực hiện được ước mơ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - kỳ thi anh không được tham dự trong quá nửa cuộc đời.

Cũng theo anh Lâm, khó khăn chung của những người "có tuổi" là bị hổng kiến thức, tiếp thu chậm, sức khỏe không tốt để học "sáng đêm" như lớp trẻ.

Cùng điểm thi với anh Lâm, chị Trần Thị Mỹ Linh (48 tuổi) cũng trở thành những thí sinh đặc biệt. Chị Linh cho biết, do nhu cầu của công việc nên chị phải thi để bổ sung bằng tốt nghiệp THPT.

Chị Trần Thị Mỹ Linh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở tuổi 48. Ảnh: M.Q

Được cơ quan tạo điều kiện và sự động viên của hai con, hành trình ôn thi của chị bắt đầu vào năm 2020 (thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát). Vì vừa đi làm, vừa đi học nên chị đăng ký học phổ cập vào các buổi tối. Ban đầu, chị được học phổ cập chương trình lớp 10, sau đó học dần dần lên lớp 11, lớp 12. Tuy nhiên, học được một thời gian thì dịch bệnh ập đến, phải chuyển qua hình thức trực tuyến.

"Thật sự rất khó khăn để học lại kiến thức ở tuổi 48. Học trực tiếp nhiều khi tôi còn chưa hiểu nhiều, nói chi học trực tuyến. Vì cuộc sống của mình, vì yêu cầu của công việc nên tôi cố gắng vượt qua. Hơn nữa, may mắn tôi có con cái bên cạnh động viên, dạy kèm những kiến thức chưa hiểu nên cũng dần ổn hơn" - chị Linh kể.

Ngày thi, cô con gái lớn của chị Linh giờ cũng đã là giáo viên tiểu học đưa đón chị đi thi và động viên mẹ làm bài thi thật tốt. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn