MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ khảo sát công tác chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2022 tại thành phố Hà Nội. Ảnh: MOET

Thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Cố gắng bằng “0” thí sinh vi phạm

Tường Vân LDO | 02/07/2022 15:33

Khảo sát công tác chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2022 tại thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ mong muốn, thành phố Hà Nội sẽ hạn chế tối đa, cố gắng bằng “0” học sinh, giáo viên vi phạm quy chế. 

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết: Toàn thành phố có 97.524 thí sinh dự thi, trong đó có 85.883 thí sinh học chương trình THPT, 11.641 thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên; có 4.476 thí sinh tự do.

Sở đã bố trí 181 điểm thi chính thức và 60 điểm thi dự phòng; trong đó có 66 điểm thi chính thức đặt tại trường THCS, 3 điểm thi chính thức đặt tại Trung tâm GDNN-GDTX và 112 Điểm thi chính thức đặt tại trường THPT. Có tổng số 4.594 phòng thi, trong đó có 4.070 phòng thi chính thức, 362 phòng thi dự phòng, 162 phòng chờ. Sở cũng đã điều động 14.096 cán bộ, công chức, viên chức tham gia coi thi; 695 cán bộ, công chức, viên chức tham gia Ban chấm thi.

Sở GDĐT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi, đặc biệt là đối với các điểm thi gần nhà dân. Chính quyền địa phương được giao nhiệm vụ vận động các nhà dân ký cam kết bảo đảm an ninh, an toàn cho điểm thi. Các điểm thi đều có đủ trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19; phòng bảo quản đề thi, bài thi được lắp camera giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày.

Các điểm thi của Hà Nội cũng đã xây dựng phương án bố trí nơi bảo quản vật dụng của thí sinh cách phòng thi tối thiểu 25m theo đúng quy định mới của Bộ GDĐT.

Để ứng phó với nguy cơ có thể xảy ra úng ngập do mưa lớn, Sở Xây dựng Hà Nội đã có kế hoạch phòng, chống úng ngập, cây đổ; bảo đảm cấp nước sạch đầy đủ và bố trí nhân lực ứng trực tại các điểm thi.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh 3 lưu ý với thành phố. Theo đó, trước hết cần xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của kỳ thi không chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT mà còn là căn cứ để nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh, do đó đòi hỏi phải tổ chức kỳ thi chặt chẽ, công bằng, bảo đảm quyền lợi cho người học.

“Tác động của kỳ thi tới xã hội rất lớn, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức. Một sơ suất nhỏ có thể gây hậu quả lớn”, đề cập điều này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị thành phố Hà Nội cần tập trung cho công tác chuẩn bị, bao gồm: chuẩn bị về con người đủ về số lượng, được tập huấn đảm bảo chất lượng; chuẩn bị về cơ sở vật chất, rà soát bố trí đủ phòng thi cho thí sinh F0, thí sinh nghi nhiễm; chủ động phương án phòng chống mưa ngập trong những ngày thi; có phương án hỗ trợ đến từng thí sinh khó khăn về phương tiện đi lại, điểu kiện kinh tế…

Chia sẻ một số ví dụ về vi phạm của thí sinh, giáo viên đã xảy ra những năm trước, Thứ trưởng mong muốn, thành phố Hà Nội sẽ hạn chế tối đa, cố gắng bằng “0” học sinh, giáo viên vi phạm quy chế. Muốn làm được như vậy, theo Thứ trưởng cần nâng cao trách nhiệm của giáo viên coi thi, trước khi vào phòng thi giáo viên cần kiểm tra và nhắc nhở thí sinh, trong quá trình coi thi cần giám sát chặt chẽ để phát hiện những biểu hiện lạ từ thí sinh. Đối với giáo viên, cần quán triệt để không có sơ suất về mặt chuyên môn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn