MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra sớm hơn 1 tuần. Ảnh: Hải Nguyễn

Top các nhóm ngành học được chuộng nhất năm 2022

Vân Trang LDO | 04/03/2023 06:36
Năm 2022, khối ngành Kinh doanh và Quản lý có tỉ lệ thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học cao nhất - 24,54%. 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm ngoái, cả nước có 521.263 thí sinh nhập học vào các trường đại học, đạt 83,39% so với chỉ tiêu, cao hơn số nhập học của các năm 2021, 2020.

Khối ngành Kinh doanh và Quản lý có tỉ lệ thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học cao nhất (24,54%). Tiếp theo là nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin (11,79%), Công nghệ kỹ thuật (9,18%) và Nhân văn 8,68%. Xếp ở vị trí thứ 5 là nhóm ngành Sức khoẻ với tỉ lệ tuyển sinh 6,35%.

Tỉ lệ tuyển sinh theo các lĩnh vực, ngành đào tạo năm 2022. Ảnh: Bộ GDĐT

Ở chiều ngược lại, nhiều lĩnh vực đào tạo có tỉ lệ tuyển sinh thấp, dưới 1%. Chẳng hạn như lĩnh vực Dịch vụ xã hội (0,36%), lĩnh vực Toán và thống kê (0,4%), lĩnh vực Khoa học tự nhiên (0,44%), lĩnh vực Thú y (0,51%),...

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho biết, năm qua 64/330 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tuyển sinh kém, mức độ tuyển đạt dưới 50%; 94/440 ngành tuyển sinh kém, không đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu.

Trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ đánh giá, các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu do các nguyên nhân như: Chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Để chuẩn bị cho tuyển sinh đại học 2023, bà Thủy khuyến cáo các trường đại học cần nắm bắt thị trường lao động, cùng sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ trong chọn trường và chọn ngành của thí sinh. 

Trường cũng cần đổi mới nội dung ngành và chương trình đào tạo, môi trường và phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh. Các bộ, ngành sử dụng nguồn nhân lực cần thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo. 

Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo cần phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển; loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn