MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Minh Hà

Tranh luận việc có nên đưa Lịch sử thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc

Nguyễn Văn Lực, Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh (Khánh Hòa) LDO | 27/08/2023 06:47

Đã có nhiều ý kiến trái chiều về phương án đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi được gần hết chặng đường. Đến năm 2025, chương trình mới sẽ áp dụng đồng bộ ở các bậc học. Đây cũng sẽ là năm đầu tiên việc thi tốt nghiệp THPT được đổi mới cho phù hợp với định hướng, mục tiêu của chương trình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hiện đang lấy ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 2 phương án được đưa ra:

Phương án 1 gồm các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học.

Phương án 2 gồm các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn Lịch sử.

Đã có nhiều ý kiến trái chiều đưa ra. Có ý kiến cho rằng: “Nếu như môn Lịch sử là môn thi bắt buộc thì sự mất cân bằng giữa số lượng chọn tổ hợp các môn xã hội và tổ hợp các môn tự nhiên của học sinh sẽ ngày càng tăng lên".

Hay cũng có ý kiến cho rằng nếu Lịch sử cùng với Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là các môn thi bắt buộc thì sẽ rất thiệt thòi cho học sinh lựa chọn tổ hợp các môn tự nhiên ở bậc THPT. Vì thế, 3 môn bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ và thêm 2 môn tự chọn là hợp lý,...

Là một giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, tôi cho rằng, để lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT cần hết sức cẩn trọng, vì kết quả kì thi này được sử dụng với mục đích xét tốt nghiệp và làm cơ sở tuyển sinh vào đại học.

Để việc lựa chon môn thi tốt nghiệp THPT khoa học, công bằng, đảm bảo mục đích của kì thi. Cá nhân xin được có đề xuất sau:

Thứ nhất, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh cùng với việc lựa chọn học môn tổ hợp hiện nay phù hợp với năng lực cá nhân, định hướng nghề tương lai cho học sinh. Do vậy việc chọn học môn tổ hợp là quyền chính đáng của học sinh, các trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho các em được học tập. Việc mất cân đối trong việc chọn môn tổ hợp là điều tất yếu và chấp nhận được. Nó sẽ không ảnh hưởng gì đến môn thi tốt nghiệp THPT.

Thứ hai, tất cả các môn học bắt buộc và tự chọn trong chương trình 2018, đảm bảo mục tiêu yêu cầu phát triển giáo dục phù hợp với thực tế Việt Nam, có sự tiếp cận với các nước, thế giới. Do vậy không thể nói cụ thể môn học nào là quan trọng nhất, môn học nào ít quan trọng mà cần nói rằng, chọn thi môn nào là phù hợp với mục đích, yêu cầu của từng kì thi khác nhau.

Thứ ba, Bộ GDĐT đưa ra hai phương án về môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có thể chưa đầy đủ hết mà cần có thêm phương án khác để cân nhắc, thảo luận.

Nếu có phương án khác, xin được đề xuất phương án môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 gồm 4 môn. Trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn còn lại trong tổ hợp môn tự chọn gồm: Lịch sử, Địa Lý, lý, Hóa, sinh, Ngoại ngữ, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.…

Như vậy học sinh sẽ thi tất cả 4 môn đảm bảo cho việc xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học theo khối ngành. Phương án này giảm được số môn thi theo dự kiến của Bộ GDĐT nhưng vẫn đảm bảo mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh, giảm áp lực thi cử cho học sinh.

Thầy cô, phụ huynh, học sinh rất mong Bộ GDĐT sớm có công bố phương án thi, số môn thi, hình thức thi… để có sự chuẩn bị sớm cho lứa học sinh học chương trình 2018, thi tốt nghiệp vào năm 2025, nhiều thuận lợi, ít băn khoăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn