MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tuyển sinh 2023: Cần cân nhắc bài toán học phí khi chọn ngành, chọn trường

Vân Trang LDO | 28/04/2023 06:55

Theo các chuyên gia tuyển sinh, học phí là yếu tố quan trọng trong quá trình học sinh chọn ngành, chọn trường cho tương lai. 

Mập mờ học phí đại học

Sau 2 năm không tăng học phí do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều trường đại học, học viện dự kiến tăng 10-20% học phí từ năm học 2023-2024. Cơ sở pháp lí để các trường thực hiện là Nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí.

Theo đó, đối với chương trình đại trà, chương trình chuẩn, học phí sẽ được điều chỉnh theo từng năm theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ, tức là tăng theo từng năm, theo lộ trình. Do đó, càng những năm sau thì học phí đại học sẽ càng tăng.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức học phí dự kiến của các trường đại học đều phải được công khai trong đề án tuyển sinh đăng trên website trường ít nhất 30 ngày trước khi nhận hồ sơ xét tuyển.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học, học viện đã công bố đề án tuyển sinh. Mặc dù là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhưng những thông tin liên quan đến học phí lại rất "khiêm tốn", thậm chí, người đọc còn cảm thấy "rối não" khi mỗi trường có 1 cách tính khác nhau.

Có trường tính theo tháng, theo kỳ, có trường lại tính theo từng tín chỉ. Điều này khiến không ít phụ huynh, học sinh hiểu sai về học phí. Ngoài ra, những con số về mức học phí trong các đề án tuyển sinh đều chỉ là ước tính, là dự kiến chứ không phải là con số thực tế chính xác.

Các chuyên gia tuyển sinh khuyên học sinh cân nhắc bài toán học phí khi chọn ngành, chọn trường. Ảnh: Phan Liên

Thực tế hằng năm, không ít phụ huynh, học sinh kêu than về câu chuyện học phí và cho rằng, các trường đại học chưa công khai rõ ràng, minh bạch với người học.

Có trường chỉ đưa ra mức học phí thấp ở kỳ đầu tiên nhưng lại tăng cao ở những kỳ tiếp theo. Có trường chia nhỏ kỳ học trong năm thành 3, 4 kỳ thay vì 2 kỳ/năm như thông thường. Nhìn vào số học phí từng kỳ, học sinh tưởng là học phí thấp nhưng thực tế, khi tính cả năm học lại thành cao. Có trường sắp xếp tín chỉ ở kỳ đầu rất ít, khiến phụ huynh nhầm tưởng học phí rẻ. Hay cũng có trường lấy lý do chương trình mới, chương trình liên kết để nâng học phí, trong khi chất lượng chưa rõ ràng,...

Bằng việc "mập mờ" mức học phí theo những cách thức khác nhau, nhiều người học rơi vào thế "không còn sự lựa chọn nào khác" bởi nếu không học sẽ mất thời gian và 1, 2 năm học phí đã đóng. 

Cần cân nhắc "bài toán học phí" khi chọn ngành, chọn trường

Trong bối cảnh các trường phải tự chủ và giá cả thị trường tăng, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, việc tăng học phí đại học là "tất yếu".

Song, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để đáp ứng 4 năm học đại học cho con. Đặc biệt, với những sinh viên ngoại tỉnh lên học tại các thành phố lớn, ngoài học phí, còn phải chi trả các khoản sinh hoạt phí hàng tháng.

Dưới góc nhìn của nhà quản lí giáo dục, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT khẳng định, điều quan trọng, các cơ sở giáo dục phải công khai mức học phí ngay từ khi người học tìm hiểu thông tin để đăng kí nguyện vọng. Đồng thời, phải cam kết không tăng học phí so với mức đã công bố trong suốt quá trình đào tạo. 

Học phí đại học tăng - đây cũng là vấn đề được TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội lưu ý tới các thí sinh, phụ huynh trong quá trình tìm hiểu, chọn ngành, chọn trường cho tương lai.

Ông Ngọc cho rằng, rất nhiều phụ huynh, học sinh không tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các em sau này. 

"Nhiều trường đại học, năm học đầu học phí có thể công bố học phí rất hợp lí, nhưng năm học thứ 2, thứ 3, càng những năm học sau tỉ lệ học phí tăng lên rất lớn, có thể gây ảnh hưởng đến vấn đề tài chính của các gia đình mà chúng ta không tính đến" - TS Đồng Văn Ngọc lưu ý tới phụ huynh và các thí sinh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn