MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chuyên gia tuyển sinh khuyên thí sinh không nên chạy theo các ngành nghề, trường hot. Ảnh: Vân Trang

Tuyển sinh 2023: Chọn ngành phù hợp hay chọn theo độ “hot” của trường?

Phan Liên LDO | 17/03/2023 13:30

Mùa tuyển sinh năm 2023 đang đến gần. Nhiều thí sinh băn khoăn, nên chọn ngành nghề phù hợp hay theo độ "hot" của trường.

Băn khoăn chọn ngành, chọn nghề

Em Nguyễn Thị Thanh - học sinh lớp 12 Trường THPT Quang Trung, Hà Nội - đặt mục tiêu thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Để đạt được mục tiêu của mình, ngoài việc tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thanh sẽ tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm tổ chức.

Lý giải về quyết định của mình, nữ sinh chia sẻ: "Em chọn ngành theo đam mê và sở thích. Ngoài ra, cũng phải căn cứ vào điểm của các lần thi thử để lựa chọn trường".

Nếu Nguyễn Thanh lựa chọn ngành nghề sau khi đã xác định rõ đam mê, thế mạnh của bản thân thì rất nhiều bạn bè cùng trang lứa khác lại bối rối trong việc lựa chọn ngành, nghề.

"Em cũng không biết bản thân thực sự phù hợp với ngành, nghề nào. Em chỉ biết cố gắng để đạt điểm cao nhất có thể. Nếu được điểm cao, em sẽ đăng ký vào các trường top đầu" - Nguyễn Minh Đức, học sinh lớp 12 tại Thanh Hoá, chia sẻ. 

Cẩn trọng trong quá trình lựa chọn

Qua quá trình tư vấn cho học trò, cô Lưu Thị Phương Loan - giáo viên, Trưởng phòng tâm lý và hướng nghiệp, Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) - nhận thấy, nhiều học sinh chọn ngành, nghề chỉ đơn thuần theo sở thích cá nhân.

Tuy nhiên, theo cô Loan, những yếu tố này là chưa đủ. Niềm yêu thích cũng cần phải dựa trên năng khiếu và phù hợp với điểm mạnh của bản thân thì mới có thể theo đuổi ngành, nghề lâu dài.

"Trong quá trình chọn ngành, nghề, các em cần ghi nhớ 3 yếu tố: Hiểu mình, hiểu nghề và hiểu xã hội. Từ đó, các em sẽ biết được mình thích gì, có khả năng gì, ngành học đó như thế nào, phát triển ra sao, nhu cầu của xã hội trước ngành các em theo học để tránh hối tiếc.

Ngoài ra, yếu tố kinh tế của gia đình cũng cần đưa vào trong quá trình nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn ngành nghề, trường học" - cô Loan chia sẻ.

Không nên chạy theo ngành "hot"

Vài năm trở lại đây, nhiều trường đại học có xu hướng mở thêm nhiều ngành nghề mới để bắt kịp được nhu cầu của xã hội cũng như người học.

Thí sinh dễ dàng lựa chọn các ngành "hot" như kinh tế, marketing, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, thay vì thử thách ở những ngành đặc thù như khoa học tự nhiên, xã hội, nông nghiệp hay môi trường hay nhiều ngành nghề truyền thống khác. 

Nhiều ngành nghề như y tế công cộng, khoa học tự nhiên, nông lâm nghiệp và thủy sản hay môi trường... tuy rất khát nhân lực nhưng lại rất khó tuyển sinh.

Tại nhiều cơ sở giáo dục đại học, điểm chuẩn các ngành khoa học cơ bản, nhóm ngành đào tạo truyền thống dù rất thấp vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu. 

Điểm chuẩn thấp là vậy nhưng từ góc độ nguồn nhân lực, những ngành này lại có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. 

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa - cho rằng, chỉ cách đây 2 năm, mọi thứ đã khác rất nhiều, công nghệ phát triển nhanh, các ngành nghề truyền thống như thủy sản, nông lâm, du lịch… không được lựa chọn nhiều như trước.

"Nếu chúng ta đặt tâm thức, có thái độ tốt, quyết tâm không sợ thất bại thì chúng ta có thể giữ được ngành nghề này.

Còn nếu chạy theo những ngành “hot” thì 5 - 7 năm sau chưa chắc đã là lựa chọn tốt. Những ngành nghề phát triển hiện nay gồm ngành công nghệ thông tin liên quan nhiều đến AI, trí tuệ nhân tạo; tự động hóa liên quan đến cơ điện tử, cơ khí, điện tử viễn thông; các ngành kinh tế, kinh doanh; nhóm ngành sức khỏe, làm đẹp. Đây là những nhóm áp dụng công nghệ rất nhiều" - PGS.TS Nguyễn Phú Khánh chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn