MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mùa tuyển sinh năm 2023, thí sinh có thể đăng kí tham gia các kỳ thi riêng để tăng cơ hội trúng tuyển. Ảnh: Hải Nguyễn

Tuyển sinh 2023: Những lưu ý quan trọng khi tham gia các kỳ thi riêng

Vân Trang LDO | 14/03/2023 14:00

Mùa tuyển sinh năm 2023, thí sinh có thể tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy,... (kỳ thi riêng) để tăng cơ hội trúng tuyển.

Chỉ nên tham dự 1 - 2 kỳ thi riêng

Tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng 10 cơ sở đào tạo đã công bố tổ chức kỳ thi riêng. Cụ thể: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Cửu Long, Trường Đại học Sài Gòn. Ngoài ra, còn có kỳ thi riêng của lực lượng công an, quân đội...

Với sự gia tăng của các kỳ thi riêng, không ít thí sinh tỏ ra bối rối trong quá trình lựa chọn bởi mỗi kỳ thi sẽ có cách thức, đề thi khác nhau. Việc ôn tập song song để tham gia các kỳ thi dễ khiến thí sinh bị phân tán, gây căng thẳng mà hiệu quả lại không cao.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn khuyên thí sinh không nên tham dự quá nhiều kỳ thi riêng.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, hiện nay, đa số các trường vẫn tiếp tục xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các ngành có tính cạnh tranh cao mới nên lựa chọn tham gia 1 hoặc 2 kỳ thi.

"Thí sinh thi nhiều hơn chưa chắc thêm được cơ hội. Chỉ cần điểm thi tốt nghiệp THPT cùng với điểm của một kỳ thi riêng là đủ" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Không nên sa lầy vào các lò luyện thi, tránh học tủ, học mẹo

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội nhiều lần nhấn mạnh, việc ôn luyện tại các trung tâm, lớp luyện thi chỉ giải quyết vấn đề “tâm lý” của học sinh chứ không mang lại nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, cả phụ huynh và học sinh đều có tâm lý phải đi ôn luyện thi mới đạt kết quả khả quan, dẫn đến các lớp luyện thi được hưởng lợi. Do đó, nếu như có bất kỳ kỳ thi nào diễn ra sẽ có lớp luyện thi ngay, từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tư duy, thi đánh giá năng lực, thi tuyển sinh đại học, thi tiếng Anh… đều có các lớp “luyện thi”.

Thí sinh làm thủ tục dự thi đánh giá năng lực tại Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội sáng ngày 11.03.2023. Ảnh: VNU

"Với ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực lớn, bài thi thiết kế theo hướng đánh giá năng lực học sinh thì việc theo học luyện thi chỉ giải quyết vấn đề “tâm lý” và “chỗ ngồi học” của thí sinh mà thôi" - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ và khuyên thí sinh nên học, ôn tập nắm chắc kiến thức phổ thông, bám chắc bài thi tham khảo và trường công bố.

Thí sinh nên làm đề tham khảo hai lần. Lần đầu là ngay khi trường công bố để biết mình có ưu thế và thiếu hụt kiến thức ở phần nào để tìm cách khắc phục. Trước ngày thi, thí sinh nên làm đề minh hoạ thêm một lần nữa, nhằm rèn kỹ năng làm bài và ghi nhớ các thao tác cần thiết.

Để đảm bảo công bằng cho thí sinh, Bộ GDĐT đề nghị các trường dù tuyển sinh theo phương thức nào, sử dụng kết quả các kỳ thi riêng hay dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông… cũng cần đánh giá, phân tích tương quan giữa các phương thức, kết quả tuyển sinh, kết quả học tập. Từ những đánh giá này, các trường đưa ra các phương thức xét tuyển phù hợp, bảo đảm công bằng cho thí sinh và chất lượng đầu vào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn