MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh đắn đo chọn trường vì học phí tăng cao. Ảnh: Thiều Trang

Tuyển sinh đại học 2022: Thí sinh “om” nguyện vọng vì học phí tăng cao

Trang Nhung LDO | 17/08/2022 08:07

Năm học 2022-2023, nhiều trường đại học công lập có mức học phí tăng cao, thậm chí có trường tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Điều này khiến nhiều thí sinh băn khoăn, đắn đo lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học.

Đắn đo vì học phí quá sức

Mong ước trở thành tân sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội để thực hiện hóa giấc mơ chữa bệnh cứu người, nhưng thí sinh Vi Thuỳ Linh (Sơn La) vẫn "nhấc lên đặt xuống" nguyện vọng Y khoa. Rào cản lớn nhất với em hiện tại là chi phí học tập và sinh hoạt.

"Em vẫn đang phân vân không biết nên điền vào nguyện vọng Y khoa của Trường Đại học Y Hà Nội hay lựa chọn nhập học ở trường cao đẳng Y.

Gia đình em ở miền núi, mẹ làm công nhân, bố làm xây dựng, còn các em tuổi ăn học, nếu lựa chọn đại học Y sẽ quá sức. Em không muốn tạo áp lực và trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình. Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc đợt đăng kí nguyện vọng xét tuyển nhưng em vẫn rối bời” - Thuỳ Linh buồn bã nói.

Trong tình cảnh tương tự, thí sinh Đỗ Kiều Lan (Ninh Bình) cho biết - em dự định đăng kí chuyên ngành Kinh tế - Trường Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội, nhưng vẫn còn đắn đo vì vấn đề học phí.

Theo tìm hiểu của Lan, mức học phí trong năm học 2022-2023 của trường là 42 triệu đồng, tăng cao so với mức học phí của khoá tuyển sinh năm 2021. Trong 3 năm tiếp theo trường sẽ tiếp tục tăng học phí thêm 2 triệu đồng/năm.

"Em rất thích Trường Đại học Kinh tế, đây cũng là dự định và mục tiêu của em ngay từ những năm đầu cấp 3. Khi nghe các anh chị sinh viên kể về môi trường học tập, các hoạt động tập thể, ngoại khóa và cơ hội nghề nghiệp, em lại càng muốn trở thành sinh viên của trường.

Nhưng học phí là một con số không hề nhỏ, điều kiện kinh tế gia đình không thể đáp ứng cho em hoàn thành 4 năm học. Em buồn lắm, em vẫn muốn bàn bạc thêm với bố mẹ để đưa ra lựa chọn cuối cùng. Nếu không thể, em sẽ chọn đi làm thay vì học một ngôi trường khác" - Lan bộc bạch.

Lời giải nào cho bài toán tăng học phí ?

Dành lời khuyên cho thí sinh, PGS.TS Vũ Duy Hải - Phó trưởng Phòng tuyển sinh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, thí sinh nên ưu tiên lựa chọn ngành nghề dựa trên đam mê, sở thích của bản thân, sau đó là cân nhắc, tính toán về năng lực của mình.

Đặc biệt, trước khi chọn ngành nghề cần tìm hiểu về học phí của chương trình đào tạo có phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình hay không? Từ đó đưa ra quyết định về ngành học phù hợp nhất.

Bàn về vấn đề giảm áp lực học phí cho sinh viên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng - ngoài nguồn thu chính là học phí, các cơ sở giáo dục đại học cần phải đa dạng hóa nguồn thu.

Ví dụ như thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… Ngoài ra, Nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn nữa chính sách tín dụng cho sinh viên với hạn mức lớn hơn để đảm bảo người học có đủ khả năng chi trả học phí.

"Nhà nước có thể cho sinh viên vay một số tiền đủ để đi học, sau khi đi làm, nếu sinh viên đó làm đúng, tốt công việc trong một thời gian nhất định thì hoàn toàn có thể miễn khoản vay đó. Chính sách này đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, vừa qua, Chính phủ đã quyết định nâng mức tín dụng sinh viên, tuy nhiên, phạm vi, đối tượng chưa được mở rộng.

"Đây là một chính sách rất quan trọng, vì vậy cần mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng và nâng cao mức tín dụng để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người dân và công bằng xã hội" - Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn