MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều trường vẫn ưu tiên phương án xét học bạ. Ảnh: Hải Nguyễn

Tuyển sinh đại học năm 2023: Nhiều trường tăng chỉ tiêu xét học bạ

Vân Trang LDO | 03/03/2023 06:12

Mùa tuyển sinh năm 2023, tại nhiều trường, phương thức xét tuyển học bạ chiếm tỉ lệ áp đảo so với các phương thức khác.

Sau nhiều năm bỏ xét tuyển học bạ, mùa tuyển sinh năm nay, Trường Đại học Nha Trang lại quay về xét tuyển bằng phương thức xét học bạ.

Nhà trường xét tuyển bốn phương thức nhưng có điểm đáng chú ý là thay thế phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT bằng phương thức xét học bạ cho tất cả các ngành, chương trình đào tạo của trường. Chỉ tiêu của phương thức này chiếm 40% tổng chỉ tiêu.

Không riêng Trường Đại học Nha Trang, nhiều đại học khác cũng có xu hướng bổ sung phương thức xét học bạ, thậm chí tăng mạnh chỉ tiêu cho phương thức này.

Trường Đại học Cần Thơ bổ sung thêm phương thức xét tuyển bằng học bạ từ năm 2020. Ngay trong năm đầu tiên áp dụng, chỉ tiêu tối đa của phương thức này chiếm tới 40%. Tỉ lệ này được tiếp tục trong các năm 2021 và 2022.

Năm 2019, Trường Đại học Khánh Hòa lần đầu tiên xét tuyển học bạ với 25% tổng chỉ tiêu. Năm 2020, chỉ tiêu phương thức này tăng lên 50% tổng chỉ tiêu. Đến năm 2022, con số này tăng lên 65%.

Trường Đại học Phạm Văn Đồng cũng lựa chọn việc xét học bạ thành phương thức xét tuyển chủ đạo của năm nay khi dành đến 70% chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này.

Năm 2016, Đại học Huế lần đầu tiên sử dụng phương thức xét học bạ, sử dụng cho một số ngành.

Đến nay, phương thức xét học bạ được đại học này tăng lên tới 60% chỉ tiêu, áp dụng cho hầu hết các ngành (trừ khối y dược và một số ngành kinh tế). Trong khi đó, phương xét tuyển học bạ kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ được nhiều trường sử dụng với chỉ tiêu chiếm đến 60 - 70% tổng chỉ tiêu.

Nhiều trường cho rằng phương thức xét tuyển học bạ sẽ giúp thí sinh có thêm một kênh lựa chọn, đa dạng phương thức tuyển sinh của trường.

Mặc dù ngày càng phổ biến nhưng phương thức xét tuyển này vẫn gây không ít tranh cãi. Có người ủng hộ phương thức này vì cho rằng, việc xét tuyển đại học bằng học bạ là phương thức tốt vì học tập là cả quá trình, đòi hỏi học sinh phải phát huy được các phẩm chất, năng lực trong cả một thời gian chứ không chỉ phụ thuộc vào 1 kỳ thi.

Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến phản đối vì cho rằng, xét tuyển bằng học bạ không công bằng, không đánh giá được năng lực của người học.

Nhiều cử tri cũng từng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) bỏ xét tuyển đại học qua học bạ do nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm".

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Dưới góc nhìn của nhà quản lí giáo dục, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) - cho rằng, để phương thức xét học bạ phát huy ưu điểm, các trường nên xếp vào tiêu chí phụ cùng yếu tố hạnh kiểm, thành tích nổi bật... Như vậy, có thể tuyển chọn thí sinh theo đúng tiêu chí và năng lực người học cần đạt.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn