MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tỉnh thành thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Hải Nguyễn

Tuyển sinh lớp 10: Thi bao nhiêu môn là đủ?

Nguyễn Văn Lực LDO | 18/02/2023 08:13

Hiện nay, mỗi tỉnh thành đều có phương án riêng để tuyển sinh vào lớp 10. Vậy, nên thi như thế nào để giảm áp lực cho người học mà vẫn đáp ứng những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới? Báo Lao Động xin được giới thiệu tới bạn đọc bài viết của thầy giáo Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa.

Tôi vẫn còn nhớ từ những năm 1980, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng (1975), khi ấy chúng tôi đang học tiểu học, phổ thông cơ sở (cấp 2) rồi lên cấp 3, nay là THPT. Để vào học lớp 10 (cấp 3), học sinh chúng tôi phải trải qua kỳ thi chuyển cấp (thi tuyển lớp 10) chỉ với hai môn Ngữ văn và Toán.

Môn Ngữ văn chúng tôi làm một bài luận chỉ có phần tập làm văn không có phần tiếng Việt. Còn môn Toán luôn có bài toán dạng chuyển động hoặc dạng toán năng suất lao động giải bằng cách lập hệ phương trình.

Việc thi tuyển vào lớp 10 thời ấy rất nhẹ nhàng, không có áp lực, học sinh không phải học thêm hay vất vả luyện thi. Đến ngày thi là đi thi.

Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Hà

Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, giáo dục nhiều lần cải cách đổi thay, phát triển theo xu thế thời đại. Đây là điều cần thiết. Song, việc tổ chức thi cử vẫn còn nặng về hình thức gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và xã hội.

Việc thi hai, ba hay bốn môn; hình thức thi tuyển, xét tuyển, thi tuyển kết hợp với xét tuyển; cách tính hệ số môn thi… mỗi năm đều có sự thay đổi tùy theo địa phương, tùy vào tình hình thiên tai dịch bệnh, tình hình thực hiện chương trình…..Việc điều chỉnh sao cho thích hợp nhưng trên hết là phải thuận lợi, nhẹ nhàng cho học sinh, không gây tốn kém nhiều cho xã hội.

Nhiều ngày qua, việc Hà Nội tổ chức thi ba hay bốn môn hiện đang được dư luận bàn tán xôn xao. Có ý kiến phản đối vì cho rằng không phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong việc dạy học theo định hướng phát huy năng lực học sinh, dạy học phân hóa định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT. Nhưng cũng có ý kiến ủng hộ thi nhiều môn để tránh việc học sinh học lệch…

Mỗi hình thức thi, số môn thi, hệ số môn đều có mặt tích cực và hạn chế nhất định. Điều xã hội mong chờ là kì thi được tiến hành nhẹ nhàng nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu, chất lượng của kỳ tuyển sinh

Rất khó để khẳng định thi ba hay bốn môn là phù hợp hơn. Lý do là bởi chúng ta chưa có thống kê so sánh việc học sinh thi tuyển vào lớp 10 hai môn, ba môn hay bốn môn thì học sinh đó chất lượng học tập như thế nào khi vào bậc THPT.

Bản thân tôi, như nói trên chỉ thi hai môn Toán và Ngữ văn vẫn có thể trở thành thầy giáo dạy Lịch sử. Như vậy, đâu phải thi nhiều môn mới giỏi vì không có học sinh nào, cá nhân nào là giỏi toàn diện được. 

Thành phố Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay vẫn giữ ổn định thi ba môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và cùng hệ số 1 để tuyển sinh lớp 10, nhưng chất lượng giáo dục thành phố vẫn đảm bảo đâu cần phải thi bốn môn là một ví dụ.   

Cá nhân tôi cho rằng, không cần phải thi ba hay bốn môn hay nhân hệ số môn thi làm gì, chỉ cần thi hai môn Ngữ văn và Toán là đủ đánh giá năng lực học sinh, vì hai môn này được ví như trụ cột, năng lực cốt lõi mỗi cá nhân con người.

Nếu thi càng ít môn thì càng giảm tải được áp lực học tập, hạn chế tình trạng học thêm, luyện thi; bớt được kinh phí cho phụ huynh, xã hội. Đây là lợi ích trước mắt. Còn về về lâu dài chúng ta nên bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khi điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu học tập tối đa cho học sinh, tiến tới phổ cập THPT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn