MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học 2023-2024, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng với lớp 4, 8 và 11. Ảnh: Hải Nguyễn

Vừa dạy học, vừa chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới

Vân Trang LDO | 23/02/2023 15:27

Ngoài việc đảm bảo nội dung theo chương trình, thời điểm này, các cơ sở giáo dục còn tất bật chuẩn bị cho việc triển khai chương trình mới lớp 4, 8 và 11 vào năm học tới. 

"Lên dây cót" dạy học theo chương trình mới

Năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng với lớp 4, 8 và 11.

Tại Trường Tiểu học Mễ Trì (Hà Nội), ngay trong năm học, nhà trường đã sửa sang phòng học, bổ sung đèn, quạt, bàn ghế và các đồ dùng dạy học hiện đại; đồng thời, tái sử dụng nhiều đồ dùng, thiết bị dạy học cũ để tránh lãng phí.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên về phương pháp dạy học mới cũng được chú trọng. Giáo viên khối 4, khối 5 được tham dự các buổi tập huấn để tiếp cận chương trình mới. Song song với đó, nhà trường còn tổ chức các chuyên đề dạy học nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học cho giáo viên.

“Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi nhận thấy chương trình mới phù hợp với học sinh, giúp học sinh phát huy được vai trò làm chủ và khám phá kiến thức. Giáo viên rất hào hứng giảng dạy và sẵn sàng học tập để nâng cao chuyên môn cho mình.

Học sinh Trường Tiểu học Mễ Trì tham gia các hoạt động ngoại khoá. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Mặc dù học sinh đã đi học trực tiếp nhưng nhà trường vẫn duy trì một số buổi họp trực tuyến, hướng dẫn học sinh làm bài trực tuyến trên Shup Classroom và OLM nhằm giúp các em được ứng dụng kiến thức môn Tin học vào thực tế” - cô Nguyễn Thị Mai Hoa - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ và cho rằng, điều này sẽ giúp giáo viên chủ động được công nghệ, bài giảng hơn trong quá trình lên lớp.

Tháo gỡ những nút thắt

Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bên cạnh những điểm thuận lợi, vẫn còn không ít khó khăn về các điều kiện thực hiện, đặc biệt là về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. 

Theo báo cáo của UBND huyện Ứng Hoà (Hà Nội), hiện nay, toàn huyện có tổng số 3.435 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 88,39% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo quy định trong Luật Giáo dục 2019. So với yêu cầu, cấp tiểu học còn thiếu 166 giáo viên, cấp THCS thiếu 29 giáo viên.

Tuy nhiên, tháng 12.2022, UBND huyện đã tổ chức thi tuyển được 108 giáo viên tiểu học trên 134 chỉ tiêu và tuyển hết 37 chỉ tiêu giáo viên THCS. Do đó trong thời gian tới, giáo viên THCS cơ bản bảo đảm đủ. 100% giáo viên giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được tập huấn về chương trình, sử dụng sách giáo khoa, về kiểm tra đánh giá và xây dựng kế hoạch giáo dục…

Về cơ sở vật chất, các trường trên địa bàn cơ bản đáp ứng được việc dạy học 2 buổi/ngày, tuy nhiên thiết bị dạy học bổ sung để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm.

Để đảm bảo trang thiết bị phục vụ dạy và học theo chương trình mới với lớp 2, 3, 6, 7, Phòng GDĐT huyện đã chỉ đạo nhà trường kiểm tra, rà soát các thiết bị hiện có để sử dụng trong các giờ dạy, khuyến khích tự làm đồ dùng dạy học. Cùng với đó, các nhà trường cũng tích cực ứng dụng các phần mềm dạy học, sử dụng kho học liệu điện tử bài giảng, bản đồ, tranh, ảnh, video clip, các thí nghiệm ảo để hỗ trợ giảng dạy…

Bên cạnh sự nỗ lực chuẩn bị của đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ nhà trường, cô Nguyễn Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học mễ Trì đề cao vai trò của phụ huynh trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Bất kỳ một chương trình nào cũng vậy, sự phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường đóng vai trò rất lớn đến hiệu quả" - cô Hoa nói và bày tỏ hy vọng, phụ huynh, xã hội sẽ luôn đồng hành cùng ngành giáo dục, phối hợp với nhà trường để giáo dục học sinh, giúp các em phát triển được toàn diện năng lực và phẩm chất mà yêu cầu của chương trình giáo dục mới đề ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn