MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vượt qua bạo lực học đường bằng cách biến tổn thương thành sức mạnh

Linh Tâm LDO | 23/04/2023 17:39

"Em bỗng "biết ơn" những người đã từng bắt nạt mình vì họ đã giúp em biến tổn thương thành sức mạnh..." - lời bộc bạch của nạn nhân từng bị bạo lực học đường.

Những "sát thủ vô hình”

“Cảm giác bất lực, bế tắc cứ dày vò bản thân em. Nhiều khi em tự nghĩ, mình đã làm sai điều gì khiến bản thân phải chịu đựng nhiều sự bất công như ngày hôm nay? Liệu em có thể cố gắng được nữa hay không?” - Lê Thị Mỹ Tiên (sinh năm 2003, Hà Nội) kể về những năm tháng phổ thông trong ánh mắt đọng nước.

Mỹ Tiên là con giáo viên và có học lực, thành tích tốt. Người bắt nạt em là học sinh có điểm số xếp sau và luôn lôi kéo những bạn khác cùng tẩy chay em. Câu chuyện lên tới đỉnh điểm khi người bắt nạt không có thành tích tốt bằng Tiên trong kỳ thi học sinh giỏi.

“Ngồi trong lớp, bạn ném thước và đồ dùng học tập vào người em, còn mắng em là không xứng đáng, là con giáo viên nên mới đạt được kết quả đó. Bạn còn tuyên bố, ai chơi với em sẽ bị tẩy chay ngay lập tức.

Cảm giác bị bỏ rơi ngay trong lớp học - một phần thanh xuân rất tồi tệ và giống như địa ngục. Em ước mình có những khoảnh khắc đáng nhớ thay vì những tiếng mỉa mai hay lời nói chát chúa như vậy" - Tiên rơi nước mắt.

Từng là nạn nhân của bạo lực học đường, Vũ Hồng Ngọc (sinh năm 1996, Thanh Hóa) bị một nhóm bạn cùng lớp lăng mạ, chửi rủa vì từ tỉnh lẻ chuyển vào Nam. Cảm giác bị xa lánh, phân biệt vùng miền đã đeo bám Ngọc trong suốt thời gian học cấp 2. 

Nghĩ lại, Ngọc vẫn ám ảnh: “Em mặc gì, ăn gì, làm gì cũng bị họ phán xét. Họ luôn lấy tiêu chuẩn giàu có của họ ra để chê bai, dè bỉu em. Những áp lực từ việc học do chuyển trường, sự phân biệt vùng miền đã khiến em từng nghĩ quẩn".

 Biến tổn thương từ bạo lực học đường trở thành sức mạnh cố gắng. Đồ họa: Trang Hà

Khi tổn thương trở thành sức mạnh

Tại thời điểm bị bắt nạt, khi không biết phải tâm sự với ai, Mỹ Tiên đã chọn cách đi đến những nơi không có người, hét thật to để giải tỏa những uất hận trong lòng.

"Sau một thời gian sống dưới sự ghen ghét và hành động bạo lực của những người bắt nạt, em nghĩ rằng cách duy nhất để vượt qua nó chính là bản thân phải cố gắng.

Em nỗ lực học tập, được thầy cô và bạn bè công nhận. Dần dần mọi người không còn sợ đám người bắt nạt mà quay sang ủng hộ, giúp đỡ em. Đó chính là giây phút mà em cảm thấy hạnh phúc nhất, có thể là khoảnh khắc mà em không bao giờ quên. Em bỗng "biết ơn" những người đã từng bắt nạt mình vì khiến em biến tổn thương thành sức mạnh”.

Thấu hiểu tâm lý học trò tuổi mới lớn, cô Nguyễn Ngọc Lan - giáo viên bậc THPT tại Thanh Hóa - cho rằng, ở lứa tuổi này, học sinh thường có những hành động bộc phát và thiếu suy nghĩ, vô tình làm ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của người khác.

"Theo tôi, cách giáo dục của gia đình và nhà trường rất quan trọng. Ngành giáo dục cần tăng cường công tác giáo dục học sinh, đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường bằng những biện pháp cứng rắn.

Các trường học cần quan tâm đến tinh thần và tâm lý học sinh, đẩy mạnh tư vấn tâm lý, tạo niềm tin cho các em. Từ đó, các em có chốn để tin tưởng, thầy cô cũng thấu hiểu tâm tư học trò, cùng nhau giải quyết các vấn đề khúc mắc, hạn chế tối đa sự việc không mong muốn” - cô Lan nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn