MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xét học bạ THPT vào đại học có đáng tin cậy?

Phùng Nhung LDO | 11/02/2023 12:57

Hiện nay, phương thức xét học bạ THPT được nhiều thí sinh và trường đại học ưu tiên sử dụng trong xét tuyển đại học. Nhưng khi vẫn còn ngờ vực liên quan đến vấn đề “làm đẹp" học bạ thì phương thức này có đáng tin cậy?

Giáo viên, học sinh phải nghiêm túc

Kỳ tuyển sinh năm 2023 đang nóng lên từng ngày. Trong đó, vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua là cử tri tỉnh Thanh Hoá kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ bởi hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm" ở các nhà trường.

Nêu quan điểm về vấn đề này, cô Lê Thoa - giáo viên THTP tại Vĩnh Phúc cho rằng, vấn đề nâng đỡ học sinh trong quá trình học tập ít nhiều sẽ xảy ra. Tuy nhiên, việc "nương nhẹ" điểm số này phần nào động viên các em học tập chứ không vì mục đích cá nhân hay mang tính chất tiêu cực như "chạy điểm".

“Sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT luôn thực hiện công tác so sánh điểm thi và điểm học bạ của từng địa phương. Chính vì vậy sẽ hiếm có việc nâng đỡ học sinh lên cao so với mức học thực tế. 

Một học sinh trung bình không thể nâng lên mức giỏi vì khi làm công tác so sánh với điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tạo ra sự chênh lệch rất lớn. Chính vì thế, thầy cô rất thận trọng trong vấn đề điểm học bạ để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh học thật, thi thật, điểm thật” - cô Thoa khẳng định.

Giáo viên, học sinh cần nghiêm túc trong học tập và thi cử. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo cô Thoa, ưu điểm của phương thức xét học bạ trong tuyển sinh đại học là giúp các trường dễ tuyển thí sinh, giảm áp lực thi cử cho thí sinh. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, mức độ đề thi, yêu cầu ở các lớp, trường, tỉnh khác nhau dẫn đến điểm thi khác nhau, không mang tính đồng đều.

"Để điểm học bạ đáng tin cậy, phản ánh đúng năng lực thì phải nghiêm túc từ chính thầy cô, trong khâu ra đề, trông thi, chấm thi, vào điểm phải có sự giám sát, kiểm tra để đảm bảo khách quan" - cô Thoa nêu quan điểm.

Cần thêm tiêu chí phụ

Trao đổi với Lao Động về vấn đề trên, cô Lưu Thu Liên - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) cho rằng, đứng dưới góc độ là một giáo viên trường chuyên thì phương thức xét học bạ có thể tin cậy.

Bởi bên cạnh việc dạy và học trên lớp, thì nhà trường cũng  tạo điều kiện để học sinh được làm quen với nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội. Chính vì vậy, học bạ phản ánh đúng cả quá trình cố gắng và năng lực học tập của học sinh trong suốt 3 năm học.

Cô Liên cũng cho rằng, nếu chỉ sử dụng học bạ đơn thuần để xét tuyển đại học chắc chắn không thể đỗ vào các trường đại học top đầu. Phải kết hợp với các tiêu chí phụ khác như: học sinh trường chuyên, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế…

“Năm nào nhà trường cũng có học sinh sử dụng phương thức xét học bạ để xét tuyển vào các trường đại học. Học sinh đều có thành tích học tập tốt và đỗ vào các trường top đầu như Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao…” - cô Liên nói.

 Xét học bạ cần thêm tiêu chí phụ. Ảnh: Dương Anh

Dự định sử dụng phương thức xét học bạ để vào đại học, Vũ Đức Nam - học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, em đã phải nỗ lực lâu dài để sở hữu học bạ đẹp.

Bên cạnh việc chăm chỉ học tập, Nam còn tích cực tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng mềm, giữ hạnh kiểm tốt trong nhiều năm. 

Định hướng thi vào Trường Đại học Ngoại thương, Nam tìm hiểu được ngoài việc xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT thì còn cần các tiêu chí phụ khác. Ngoài việc ôn tập trên lớp, nam sinh còn học thêm tiếng Anh để thi chứng chỉ IELTS, hoàn thiện hồ sơ xét tuyển vào trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn