MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

10 phút trò chuyện cùng Đại sứ Áo dài Việt Nam

Quỳnh Trang thực hiện LDO | 13/02/2024 06:00

Người đẹp Lê Thị Thu Trà sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, đang là sinh viên Trường Đại học Thương Mại. Tại Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 4 được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11.2023, Lê Thị Thu Trà được vinh danh, bình chọn trở thành Đại sứ Áo dài 2023. Nhân dịp Xuân về, Lao Động đã có cuộc trao đổi với người đẹp Lê Thị Thu Trà.

Trước hết xin chúc mừng người đẹp Lê Thị Thu Trà vừa được vinh danh trở thành Đại sứ Áo dài 2023. Cơ duyên nào đưa bạn đến với cuộc thi này?

- Tôi đến với danh hiệu Đại sứ Áo dài là một hành trình mang chữ “Duyên”. Tôi đã theo dõi các nhà thiết kế và tình cờ tham gia show diễn của các nhà thiết kế tại Hoàng Thành Thăng Long. Thật may mắn khi tôi được UNESCO chọn là Đại sứ Áo dài Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với danh hiệu này.

Hãy nói về vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam. Theo bạn điều gì khiến áo dài Việt Nam đặc biệt và khác biệt so với các trang phục khác?

- Trên thế giới, mỗi một dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng người đều có nét riêng. Nét riêng đó không chỉ thể hiện ở những giá trị vật chất như kiến trúc nhà cửa, các đồ dùng sinh hoạt... mà còn thể hiện ở giá trị tinh thần, gu thẩm mỹ. Ở đất nước của chúng ta, áo dài là trang phục người phụ nữ Việt Nam luôn chọn để mặc trong các sự kiện quan trọng của cuộc đời họ.

Từ đó, trang phục áo dài trở thành nét riêng, có đặc trưng riêng, không bị hòa lẫn, hòa tan trong các bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế. Nét riêng ấy giúp cho cộng đồng quốc tế dễ dàng nhận diện ra những nét đẹp, duyên dáng, gu thẩm mỹ riêng của người con gái Việt Nam. Đó gọi là bản sắc.

Có thể thấy, trải qua các giai đoạn lịch sử, áo dài Việt Nam có sự biến đổi qua nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách. Áo dài còn được biến chuyển thành áo cưới, áo cách tân… Nhưng ở đâu, dù thế nào thì chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào mang lại được. Áo dài được định hình để trở thành nét riêng của người phụ nữ Việt Nam và được thế giới thừa nhận.

Người ta nói, áo dài thể hiện cả văn hóa, lịch sử và tính dân tộc. Bạn hiểu điều này như thế nào?

- Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Trải qua các giai đoạn phát triển với những cải biến, cách tân, sử dụng ngày càng đa dạng chất liệu, thiết kế kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, chiếc áo dài Việt Nam đang cho thấy sức sống mạnh mẽ. Áo dài đã vượt qua nhiều thử thách để vừa bảo lưu giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn vinh người phụ nữ, hướng tới trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Không chỉ những du khách đến Việt Nam mới được ngắm chiếc áo dài mà ở cả nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, cũng có sự xuất hiện của những tà áo dài. Áo dài khắc họa hình ảnh đời sống, con người, văn hóa, truyền thống trong chiều dài lịch sử Việt.

Bảo vệ, phát huy vẻ đẹp của áo dài Việt Nam cũng là phát huy, bảo vệ văn hóa. Vậy, những dự định, hoạt động sắp tới của bạn trên cương vị Đại sứ Áo dài nhằm quảng bá hình ảnh tà áo dài, đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè năm châu?

- Trách nhiệm của tôi là góp phần lan tỏa việc bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của chiếc áo dài truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Tôi cũng nhận được một vài công ty gửi lời mời tham gia một số dự án về áo dài cho dịp Tết 2024 và đang cân nhắc. Bản thân hiện đang là sinh viên năm cuối nên tôi đang cố gắng chăm chỉ đi học và thi cử.

Bạn nghĩ thế nào về trào lưu cách tân áo dài? Lời khuyên của một Đại sứ Áo dài khi sử dụng trang phục này như thế nào?

- Với những giai đoạn lịch sử khác nhau, áo dài có những thay đổi nhất định để phù hợp và mang hơi thở của thời đại. Tuy nhiên mọi sự cách tân áo dài đều mang tính thử nghiệm nhưng phải lấy khuôn mẫu của áo dài truyền thống làm nền tảng cơ sở để thể hiện sự sáng tạo thẩm mỹ.

Áo dài cách tân đã đưa trang phục truyền thống vào cuộc sống hằng ngày, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của thế hệ trẻ hơn. Áo dài cách tân dù có phổ biến trong cuộc sống thường nhật nhưng sẽ không thể nào thay thế được vai trò của chiếc áo dài truyền thống vào những dịp đặc biệt. Cả hai đều có những vẻ đẹp và sứ mệnh riêng, cần được đặt vào những hoàn cảnh sao cho phù hợp văn hóa.

Cuộc sống của bạn sau khi trở thành Đại sứ Áo dài có gì thay đổi không? Và bạn có lời chúc nào tới những người phụ nữ nhân dịp đầu năm mới.

Sau khi trở thành Đại sứ Áo dài cuộc sống của tôi cũng có thay đổi, nhưng không nhiều. Tôi đang là một cô sinh viên năm cuối, phải lo việc học, tham gia các hoạt động của trường lớp. Nhưng thêm vào đó là trách nhiệm của một Đại Sứ nhằm giữ gìn và tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Việt Nam. Tôi được nhiều người biết đến và yêu quý hơn, được quen với nhiều nhà thiết kế áo dài như NTK Lý Minh Tuấn, NTK Nguyễn Minh Long,...

Nhân dịp Tết đến Xuân về, xin gửi lời chúc đến toàn thể chị em phụ nữ Việt Nam đầu năm mới một lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc chị em luôn xinh đẹp và gặt hái được nhiều thành công. Mong rằng, Xuân 2024, có thể thấy được hình ảnh chiếc áo dài xuất hiện nơi nơi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn