MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

14 Đoàn nghệ thuật dự Liên hoan kịch nói toàn quốc diễn ra tại Hải Phòng

Mai Dung LDO | 05/11/2021 22:45

Hải Phòng - Tối 5.11, tại Nhà hát Tháng Tám TP.Hải Phòng diễn ra lễ khai mạc Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021. 

Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc. Ảnh: Đàm Thanh

Phát biểu khai mạc Liên hoan, PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Liên hoan Kịch nói lần này tại TP.Hải Phòng diễn ra trong không khí kỷ niệm 100 năm Kịch nói Việt Nam, một loại hình nghệ thuật luôn bám sát hơi thở của cuộc sống. Đây là cơ hội để các nghệ sỹ có dịp phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, khát khao cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp mà nhiều thế hệ nghệ sỹ tiền bối đã gây dựng nên.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị các nghệ sỹ về dự Liên hoan đem hết tài năng để thể hiện tốt nhất những thành quả lao động nghệ thuật của mình trong thời gian qua; đề nghị Hội đồng nghệ thuật là những Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, những cá nhân có uy tín trong hoạt động nghệ thuật công tâm, khách quan lựa chọn ra những vở diễn hay nhất, những diễn viên tài năng để tôn vinh tại Liên hoan.

Chào mừng các vị đại biểu, các vị khách quý, các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên đã về tham dự Liên hoan, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: TP.Hải Phòng vinh dự được lựa chọn là địa phương phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức đăng cai Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021. 

Liên hoan Kịch nói toàn quốc là dịp để Hải Phòng quảng bá về tiềm năng, thế mạnh kết nối phát triển du lịch với các giá trị di sản, văn hóa truyền thống, là minh chứng sinh động khẳng định TP.Hải Phòng là điểm đến thân thiện, an toàn, thành công trên tất cả các lĩnh vực.

Một cảnh trong vở diễn “Đường chân trời”. Ảnh: Đàm Thanh

Ngay sau Lễ khai mạc, Đoàn Kịch nói Hải Phòng mang đến Liên hoan vở diễn “Đường chân trời”. Vở diễn có nội dung xoay quanh cuộc sống của gia đình chị Ngọc, người phụ nữ giữ gìn truyền thống từ điều nhỏ nhặt như cố định công việc, thời gian ăn, ngủ, chị có chồng và hai con. Mỗi khi đi làm về chị tất bật vào bếp để chuẩn bị cho chồng con bữa cơm thịnh soạn. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại với những bận rộn, bộn bề, chồng và hai con chị hiếm khi về ăn cơm với chị, dẫn đến những khúc mắc trong lòng người phụ nữ quen với việc chờ đợi.

Chị thay toàn bộ vật dụng của gia đình từ cổ điển sang hiện đại, thay đổi bản thân từ trang phục đến lối sống. Sự thay đổi của chị không xuất phát từ sự thay đổi về nhận thức nên dẫn đến việc chị có quan hệ ngoài gia đình với người đàn ông khác, bỏ bê chồng con và thuê hẳn một người giúp việc để phó thác hoàn toàn việc gia đình.

Vở kịch để lại những suy tư cho người phụ nữ, sự vương vấn về hiện thực của các gia đình trong thời đại hiện nay, thời đại công nghệ số. Thông điệp của vở kịch gợi quy luật ngôi nhà hạnh phúc là ngôi nhà có đủ vợ chồng, con cái hằng ngày vui vẻ, quây quần đợi chờ nhau…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn