MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

3 "nỗi sợ" khi đến mùa Trung thu

Huyền Chi LDO | 10/09/2022 09:09
Trung thu có nhiều lễ hội nhộn nhịp, tưng bừng mang đến niềm vui cho mọi gia đình. Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, lễ hội Trung thu cũng ẩn chứa những nỗi sợ với không ít người.

Trung thu là ngày lễ náo nhiệt, tưng bừng ở Việt Nam và nhiều nước Châu Á. Diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch, Tết Trung thu có nhiều món ăn truyền thống, đồ chơi dân gian và những lễ hội đặc trưng.

Tuy vậy, ở Trung thu cũng có những "nỗi sợ".

Tắc đường

Cảnh tượng thường thấy trong dịp lễ Trung thu là những đoàn múa lân biểu diễn trên đường phố. Vào buổi tối, càng sát ngày rằm, lượng người đổ ra đường càng tăng, gây tắc nghẽn trên nhiều tuyến đường.

Chưa kể, hoạt động múa lân còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, tai nạn do nhiều đoàn sử dụng lửa, xăng, pháo sáng, pháo bông để tăng kịch tính cho màn biểu diễn. Không ít đoàn múa lân mang theo trống lớn, loa đài, còi, kèn gây ồn ào, ảnh hưởng tới những người dân sống ở mặt đường lớn.

Tình trạng tắc đường, chen lấn do người dân đi xem múa lân khiến nhiều phụ huynh mệt mỏi. Ảnh: ST.

Đồ chơi không rõ nguồn gốc bán tràn lan

Mới đây, cơ quan chức năng đã thu giữ loạt đồ chơi Trung thu có in hình "đường lưỡi bò" được bày bán trong một siêu thị mini ở Hoàng Mai, Hà Nội. Theo đó, chủ cửa hàng vẫn bày bán sản phẩm này ngay cả khi được khách hàng phản ánh.

Không chỉ vậy, ở nhiều con phố, đồ chơi Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, in hình nhiều nhân vật kinh dị, kỳ quái, đáng sợ dành cho trẻ em vẫn xuất hiện khắp nơi. 

"Đồ chơi cho trẻ con cần đảm bảo cả về hình thức lẫn chất liệu. Trong khi đó, các sản phẩm không rõ xuất xứ có giá thành rẻ, chất liệu độc hại, lại in những hình ảnh mà phụ huynh khó kiểm soát. Các loại đồ chơi như súng, gậy thổi bong bóng, mặt nạ nhựa phát nhạc có thể khiến trẻ bị kích ứng, mẩn đỏ vì chất liệu không đảm bảo", chị L. chia sẻ.

Con trai chị L. là bé Q. (8 tuổi) cũng mua một chiếc mặt nạ hình con hổ để chơi Trung thu. Nhưng vài ngày sau khi sử dụng, bé Q. bị dị ứng vùng mắt, sưng đỏ trong nhiều ngày, da mặt vùng tiếp xúc cũng bị mẩn ngứa. 

Nhiều chiếc mặt nạ có hình thù kì dị được bày bán ở nhiều con phố chuyên bán đồ chơi Trung thu. Ảnh: ST.

Bánh trung thu và nỗi "ám ảnh" tăng cân 

Khi người dân quan tâm đến vấn đề sức khỏe và dinh dưỡng hơn, bánh nướng, bánh dẻo dịp Trung thu không còn là thức quà được "người người nhà nhà" yêu thích.

Bởi lẽ, hàm lượng calo trong bánh Trung thu khá lớn. Theo thông tin nhà sản xuất in trên bao bì, trung bình một chiếc bánh nướng có hàm lượng calo từ 400 đến 800 tùy vào từng loại nhân, với bánh dẻo trung bình khoảng 570 calo.

Chưa kể đến những chiếc bánh nhân đậu xanh,trứng chảy, trứng muối, phô mai... có thể lên đến 800-900 calo. Cùng với đó, lượng đường, chất béo, tinh bột để làm nên bánh cũng khá cao, dễ gây tăng cân, khó tiêu, không phù hợp với người ăn kiêng, tiểu đường.

Các loại bánh Trung thu được cải tiến, biến tấu với nhiều loại nhân bánh, vỏ bánh khác nhau. Ảnh: ST.

Chị T.K.L (45 tuổi, Hải Phòng) chia sẻ, từ lâu gia đình chị chỉ mua bánh Trung thu để thắp hương. "Bánh Trung thu thường có vị ngọt gắt, nhanh ngấy và nhiều calo. Các con ăn nhiều dễ bị thừa cân, sâu răng, mức đường trong máu cũng tăng. Còn người lớn trong nhà cũng không hảo ngọt, chỉ ăn một chút cho có không khí".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn