MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

3 nữ chiến binh mạnh mẽ từng làm thay đổi lịch sử Trung Quốc

Chí Long LDO | 24/08/2024 09:58

Bên cạnh các bậc anh hùng hào kiệt, sử sách Trung Quốc còn ghi lại những câu chuyện, truyền thuyết về các nữ chiến binh làm thay đổi vận mệnh đất nước một thời.

Hoa Mộc Lan

Theo SCMP, Hoa Mộc Lan lần đầu xuất hiện trong văn hóa đại chúng cách đây hơn 1.500 năm, trong "Bài ca về Hoa Mộc Lan" - một bài hát dân ca được sáng tác thời nhà Bắc Ngụy (386-535) trong lịch sử Trung Quốc.

Câu chuyện kể về một cô gái trẻ cải trang thành nam giới để thay cha già đi chiến trường, đánh bại quân xâm lược người Nhu Nhiên dọc biên giới phía Bắc. Hoa Mộc Lan gây ấn tượng bởi lòng hiếu thảo, dũng cảm và nghị lực phi thường của một đấng mày râu.

Hoa Mộc Lan là nữ chiến binh nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ảnh: Nhà sản xuất

Trong khi nhiều nhà sử học hiện đại tin rằng Hoa Mộc Lan là một nhân vật hư cấu, thì các nhà sử học từ nhiều thế kỷ trước đã coi "Bài ca về Hoa Mộc Lan" là một câu chuyện lịch sử. Họ tìm ra bằng chứng về việc Hoa Mộc Lan thực sự tồn tại vào giai đoạn đó, khi cuộc chiến liên miên giữa triều đại Bắc Ngụy và tộc người Nhu Nhiên diễn ra.

Ngoài ra, câu chuyện về Hoa Mộc Lan được lưu truyền không mang bất kỳ yếu tố siêu nhiên nào. Điều này càng củng cố thêm giả thuyết cô là một nhân vật có thật trong lịch sử. Và nữ anh hùng này là một trong những nữ nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Trung Quốc, theo SCMP.

Công chúa Bình Dương

Công chúa Bình Dương (thụy hiệu là Bình Dương Chiêu công chúa) là con gái duy nhất của Lý Uyên (Đường Cao Tổ) - Hoàng đế khai quốc của nhà Đường (618-907). Nàng đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập triều đại nhà Đường.

Trước cuộc nổi dậy chống triều đình nhà Tùy (581-618), Lý Uyên cho người đến Trường An để gọi con gái là Bình Dương và con rể về Thái Nguyên, nơi ông đang là tướng cai quản.

Tại đây, nàng bắt đầu dùng tiền mua chuộc lòng trung thành của một đội quân gồm vài trăm người, rồi tiếp tục thuyết phục các thủ lĩnh phiến quân khác tham gia cùng mình, xây dựng một lực lượng lên tới 70.000 binh sĩ vào thời kỳ đỉnh cao.

Khi ấy, nhà Tùy không coi trọng đội quân đứng đầu bởi 1 phụ nữ, nhưng đã thua cuộc hoàn toàn trong trận chiến với quân của Bình Dương công chúa. Thừa thắng xông lên, nàng mang 10.000 quân đến hỗ trợ anh trai, tiếp tục đánh bại đại quân nhà Tùy.

Khi Lý Uyên vượt sông Hoàng Hà, Bình Dương và anh trai nàng đã chỉ huy hai cánh quân riêng biệt của quân đội nhà Lý. Cánh quân của nàng được mệnh danh là "Quân đội của Phu nhân".

Nhà Tùy hoàn toàn bại trận, Lý Uyên lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Đường.

Nhờ những chiến thắng trên chiến trường, công chúa Bình Dương được Hoàng đế cưng chiều nhưng qua đời một cách bí ẩn ở tuổi 23. Nàng được tổ chức tang lễ theo nghi thức quân đội, thậm chí được trao tặng những vinh dự chưa từng có với một phụ nữ.

Lâm Tứ Nương

Lịch sử Trung Quốc có rất nhiều tài năng võ thuật phi thường, và Lâm Tư Nương (1629 - 1644) là một trong số đó. Nàng đã thành lập một đội quân chiến đấu gồm toàn nữ và hy sinh bản thân ở tuổi 15 để cứu người suýt làm Hoàng đế.

Lâm Tứ Nương sinh ra trong gia đình nhà lính nghèo và được cha huấn luyện để trở thành một chiến binh hung dữ. Khi sáu tuổi, kỹ năng chiến đấu của nàng đã nổi tiếng khắp thị trấn. Ảnh: Baidu

Một ngày nọ, khi đang luyện võ bên bờ sông, nàng đã thu hút sự chú ý của Chu Trường Huân - con trai của Hoàng đế Vạn Lịch nhà Minh - cai quản vùng Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông). Hoàng đế Vạn Lịch nhiều lần muốn lập ông lên làm người kế vị nhưng bất lực trước chế độ lập trưởng tử của triều đại bấy giờ.

Chu Trường Huân phải lòng Lâm Tứ Nương và ngưỡng mộ tài sử dụng vũ khí của nàng, giao cho nàng nhiệm vụ dạy võ thuật cho các thê thiếp của mình. Sau này, họ trở thành một đội quân gồm toàn nữ giới.

Khi hạn hán và nạn đói đe dọa đến sinh kế của người dân ở Sơn Tây và Thiểm Tây (Trung Quốc), Chu Trường Huân bị dân bắt giữ.

Theo SCMP, truyền thuyết kể rằng Lâm Tứ Nương đã chỉ huy đội quân toàn nữ giới đi cứu Chu Trường Huân, chiến đấu đến phút cuối cùng, đánh bại nhiều kẻ thù trước khi bị hạ gục. Cuộc tấn công của nàng đã kéo dài đủ thời gian để quân Chu tập trung lực lượng, đánh tan quân nổi loạn và cứu được Chu Trường Huân.

Sau khi được thả, Chu Trường Huân ra lệnh chôn cất Lâm Tứ Nương và toàn bộ quân lính, thê thiếp hi sinh trong trận chiến một cách danh dự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn