MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Công nhân. Ảnh: Thùy Trang

70 năm văn học công nhân Việt Nam

Huyền Chi LDO | 27/12/2023 07:47

Không gian trưng bày “Sách văn học công nhân và những tác phẩm tiêu biểu đã được giải thưởng của Tổng LĐLĐVN, Báo Lao Động và Hội Nhà văn Việt Nam 1953-2023” giới thiệu những tác phẩm đã được xuất bản trong khoảng từ năm 1953 đến 2023 của các tác giả viết về văn học công nhân.

Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn giúp phát hiện những tác giả mới

Đây là sự kiện đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam mà các tác phẩm được đưa ra có hệ thống theo thời gian của một chuyên đề văn học về công nhân, công đoàn.

Trong đó, các tác phẩm vừa đạt giải tại Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn (sau đây gọi tắt là Cuộc thi) được giới thiệu đến các nhà văn và độc giả. Nói về kết quả cuộc thi, nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Công nhân - cho biết: “Cuộc thi do Báo Lao động tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam rất hiệu quả, thiết thực, có chất lượng tốt, tổ chức chặt chẽ. Tác phẩm “Hoa xương rồng” của Nguyễn Trí rất gai góc, thực tế, còn “Con đường của Hạ” mang hơi thở cuộc sống hiện đại. Nếu không có Cuộc thi, hiệu quả của buổi trưng bày ngày hôm nay sẽ thấp đi, chúng tôi không có cơ hội phát hiện những tác giả mới. Như tác giả Nguyễn Trí, Phương Trà (đạt giải Nhất tiểu thuyết và truyện ngắn) đều là những gương mặt đầy triển vọng”.

Nhìn lại có thể thấy, văn học công nhân được ươm mầm từ năm 1934 với tiểu thuyết “Lầm than” của Lan Khai, viết về thợ mỏ. Có thể nói, văn học công nhân đã tồn tại 80 năm. Thế nhưng, các tác phẩm thời ấy còn manh mún, nhỏ lẻ. Trải qua hàng chục năm, đi qua nhiều giải thưởng văn học, cuộc thi viết văn, Hội Nhà văn Việt Nam mới có một triển lãm trưng bày sách đầu tiên về văn học công nhân mà các tác phẩm sắp xếp có hệ thống theo thời gian và theo chuyên đề văn học.

Nhà văn Đặng Huỳnh Thái (tác giả tiểu thuyết “Bể than Đông Bắc) chia sẻ, các tác phẩm tham dự Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn giai đoạn 2021-2023 đều có chất lượng tốt, phản ánh chân thực, đầy đủ đời sống của người công nhân.

Tác giả Đặng Huỳnh Thái cho rằng, viết về công nhân thường bị cho là khô khan, khó đọc, bởi vì chúng ta chưa đi sâu, chưa khai thác về họ. “Công nhân là những nhân vật có số phận, có cuộc đời với rất nhiều thăng trầm, vui buồn, thậm chí họ có những tình yêu sâu đậm hơn chúng ta tưởng, khi đặt vào hoàn cảnh hiếm ai có được. Với tôi, viết về công nhân khó nhưng cũng dễ. Thời kỳ đầu, có tác phẩm nổi bật là “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm. Nhưng những tác phẩm thời ấy kể về sự việc nhiều hơn là con người. Còn bây giờ, công nhân không còn như ngày xưa, họ có thể là trí thức, có trình độ, điều kiện sống cao hơn, có chất liệu thời đại khác hẳn”.

Trưng bày sách văn học công nhân đầu tiên sau 70 năm

Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, trưng bày sách văn học công nhân được chia làm 4 giai đoạn theo từng thời kỳ, bao gồm: Giai đoạn 1 lấy năm tác phẩm “Vùng Mỏ” được giải và được xuất bản tháng 4.1953 đến năm 1965, kết thúc 5 năm, kế hoạch 1960-1965; Giai đoạn 2 từ năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mở rộng ra miền Bắc Việt Nam đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1975; Giai đoạn 3 từ năm 1976 đến 1987, khi có Nghị định 176 của Chính phủ để bắt đầu thời kỳ đổi mới; Giai đoạn 4 từ năm 1988 đến 2023, với cột mốc là Lễ trao giải cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn tháng 11.2023.

Theo nhà thơ Lê Tuấn Lộc, vì là lần đầu tiên tổ chức, trưng bày vẫn còn một số hạn chế. Thứ nhất, việc phân giai đoạn mới là tương đối. Thứ hai, còn nhiều tác giả chưa được phát hiện. Thứ ba, một số tác giả được giải chưa được liệt kê đầy đủ. Bởi lẽ, tư liệu và tác phẩm được giải lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam không đầy đủ, các quyết định khen thưởng đã bị thất lạc nhiều, chỉ còn lại các tác phẩm từ năm 2010 đến 2023 là đầy đủ.

Nói về mảng đề tài văn học công nhân, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đánh giá: “Văn học công nhân là mảng đề tài rất quan trọng, nếu không muốn nói là xương sống của nền văn học cách mạng Việt Nam. Sau “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm, nhiều tác giả lớn đã tham gia viết về đề tài này như Nguyên Hồng, Xuân Cang, Y Phương. Những thành tựu của văn học công nhân trong trưng bày sách này có thể coi là một cuộc diễu binh 70 năm của văn học công nhân Việt Nam”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn