MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau cổ phần hóa không mang lại cho HDTC bức tranh sáng về hoạt động kinh doanh mà chỉ là những tranh chấp triền miên.

Bức tranh ảm đạm sau cổ phần hoá

Vy An - G.Miêu LDO | 27/06/2018 12:49
CTCP Phát triển và Kinh doanh Nhà - HDTC - một cái tên không còn xa lạ trong thị trường bất động sản TPHCM và cả Hà Nội. Doanh nghiệp này sở hữu nhiều dự án tầm cỡ và quỹ đất lớn. Năm 2016, HDTC đánh dấu một bước ngoặt mới trong sự phát triển của mình khi tiến hành cổ phần hóa thành công. Tuy nhiên, đã 3 năm kể từ thời điểm HDTC tiến hành cổ phần hóa với kỳ vọng sẽ đưa HDTC vượt lên mạnh mẽ, nhưng trên thực tế, những gì đang diễn ra tại công ty này sau cổ phần hoá đang khá ảm đạm và trái với kỳ vọng khá xa.

Hoạt động kinh doanh èo uột

Năm 2016, CTCP Việt Hân đã gây nên “cơn sốt” khi bất ngờ thâu tóm 70% cổ phần của Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà - HDTC (100% vốn Nhà nước, thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - Resco) với mức giá 1.600 tỉ. Tại phương án cổ phần hóa được UBND TPHCM phê duyệt, HDTC định hướng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực đang có như: Đầu tư kinh doanh bất động sản; Xây lắp công trình dân dụng, công nghiệp; Xây dựng công trình giao thông; Bán buôn vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt; Đầu tư kinh doanh dịch vụ trên cơ sở khai thác các bất động sản sẵn có; Mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác.

Ngoài ra, trong định hướng phát triển kinh doanh giai đoạn 3 năm sau cổ phần hóa (2016-2018), HDTC cũng xác định sẽ nâng tổng doanh thu từ 1.000 lên gần 1.500 tỉ đồng và nâng tỉ lệ chia cổ tức từ 5% lên 7%. Thậm chí, Ban quản trị mới của HDTC còn có sẵn một chiến lược phát triển đồ sộ để đưa công ty này trở thành một trong những đại gia bất động sản của TPHCM nhưng thực tế, mọi thứ hoàn toàn đi ngược lại.

Từ sau khi cổ phần hoá, cái tên HDTC hầu như lặng tiếng. Ở một số ngành nghề được xem là chiến lược của công ty là xây lắp công trình dân dụng và công trình giao thông cũng không có dấu hiệu phát triển khả quan. Nói một cách chuẩn xác nhất, hoạt động của HDTC gần như bị đóng băng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay.

Thưa kiện triền miên, dự án bỏ phí

Đã 2 năm sau thời điểm cổ phần hoá, CTCP Phát triển và Kinh doanh Nhà - HDTC dù sở hữu nhiều dự án tầm cỡ và quỹ đất lớn nhưng hầu như doanh nghiệp này chưa triển khai bất kỳ dự án nào mà chỉ quanh quẩn trong những câu chuyện thưa kiện, được - mất với các doanh nghiệp đã từng hợp tác, kinh doanh.

Khởi đầu là vụ 3 công ty gồm: Công ty TNHH Tân Long (Tân Long), CTCP Đầu tư và Địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn (SGCL), CTCP Địa ốc 8 (Địa Ốc 8) cùng lúc tố HDTC “bội tín” tại Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh (Q.2). Cụ thể, cả 3 công ty nói trên cùng với HDTC đã thỏa thuận hợp tác để triển khai dự án An Phú - An Khánh. Trong khi vụ tranh chấp nói trên vẫn chưa “hạ hồi phân giải” thì cuối năm 2017, HDTC lại tiếp tục là nhân vật chính trong vụ tranh chấp Dự án The Mark (Q.7) với các thành viên tại liên doanh VK Housing mà HDTC có 20% cổ phần. Theo thông tin từ VK Housing thì HDTC không hoàn thành các thỏa thuận hợp tác, cũng như nghĩa vụ với các đối tác tại liên doanh này. Còn ở một diễn biến khác, chính HDTC đã có đơn khởi kiện và yêu cầu hủy giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với VK Housing. HDTC cho rằng, VK Housing có hành vi làm giả mạo giấy tờ chuyển nhượng góp vốn giữa các cổ đông trước đó. Thế nhưng, Bộ Công an đã xác định, hồ sơ chuyển nhượng góp vốn giữa các cổ đông pháp nhân Hàn Quốc trước đây là hợp lệ, không có dấu hiệu giả mạo.

Mặc dù vậy, sự việc tranh chấp này cho đến nay vẫn lùng nhùng với việc TAND TPHCM lại ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 298 (QĐ 298) thực hiện một số yêu cầu của HDTC. Theo đó, HDTC được giao trách nhiệm tạm quản lý khu đất dự án theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong thời gian chờ tòa giải quyết vụ án, bất chấp việc dự án đã được UBND TPHCM giao cho VK Housing làm chủ đầu tư hợp pháp. Sự việc đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của chủ đầu tư VK Housing và thành viên liên doanh DWS. Những đơn vị này cho rằng, QĐ 298 có phần vội vàng, đã khiến dự án The Mark bị cản trở thi công, ngưng trệ trong thời gian dài gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn